29 tháng 10, 2011

LUẬT DU LỊCH - Chương 4: Khu - điểm - tuyến du lịch

LUẬT DU LỊCH
CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỐ 44/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005
CHƯƠNG IV: 
KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, TUYẾN DU LỊCH 
VÀ ĐÔ THỊ DU LỊCH


MỤC 1: KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, TUYẾN DU LỊCH

Điều 22. Xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch
Khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch được xếp hạng ở cấp quốc gia hoặc cấp địa phương căn cứ vào quy mô, mức độ thu hút khách du lịch, khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ.
Điều 23. Điều kiện để được công nhận là khu du lịch
1. Khu du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là khu du lịch quốc gia:
a) Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, có khả năng thu hút lượng khách du lịch cao;
b) Có diện tích tối thiểu một nghìn héc ta, trong đó có diện tích cần thiết để xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch phù hợp với cảnh quan, môi trường của khu du lịch; trường hợp đặc biệt mà diện tích nhỏ hơn thì cơ quan quản l‎ý ‎‎nhà nước về du lịch ở trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
c) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đồng bộ, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một triệu lượt khách du lịch một năm, trong đó có cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần thiết phù hợp với đặc điểm của khu du lịch. 
2. Khu du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là khu du lịch địa phương:
a) Có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch;
b) Có diện tích tối thiểu hai trăm héc ta, trong đó có diện tích cần thiết để xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch;
c) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần thiết phù hợp với đặc điểm của địa phương, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách du lịch một năm. 
Điều 24. Điều kiện để được công nhận là điểm du lịch
1. Điểm du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là điểm du lịch quốc gia:
a) Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch;
b) Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách tham quan một năm. 
2. Điểm du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là điểm du lịch địa phương:
a) Có tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch;
b) Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất mười nghìn lượt khách tham quan một năm. 
Điều 25. Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch
1. Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch quốc gia:
a) Nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế;
b) Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
2. Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch địa phương:
a) Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương;
b) Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
Điều 26. Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch
1. Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch gồm có:
a) Tờ trình đề nghị công nhận khu du lịch của cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền;
b) Báo cáo quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch cụ thể phát triển khu du lịch kèm theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 20 của Luật này.
2. Hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch gồm có:
a) Tờ trình đề nghị công nhận điểm du lịch của cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền;
b) Bản thuyết minh về điểm du lịch đề nghị công nhận.
3. Hồ sơ đề nghị công nhận tuyến du lịch gồm có:
a) Tờ trình đề nghị công nhận tuyến du lịch của cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền;
b) Bản đồ về tuyến du lịch theo tỷ lệ 1/1.500.000 đối với tuyến du lịch quốc gia; tỷ lệ 1/100.000 đối với tuyến du lịch địa phương và bản thuyết minh về tuyến du lịch đề nghị công nhận.
Điều 27. Thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, tuyến du lịch quốc gia theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương.‎
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận khu du lịch địa phương, điểm du lịch địa phương, tuyến du lịch địa phương theo đề nghị của cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương công bố khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, tuyến du lịch quốc gia sau khi có quyết định công nhận.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố khu du lịch địa phương, điểm du lịch địa phương, tuyến du lịch địa phương sau khi có quyết định công nhận.
Điều 28. Quản lý khu du lịch
1. Nội dung quản lý khu du lịch bao gồm:
a) Quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển;
b) Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ;
c) Bảo vệ tài nguyên du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn xã hội;
d) Thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc tổ chức quản lý khu du lịch được quy định như sau:
a) Khu du lịch phải thành lập Ban quản lý khu du lịch; trường hợp khu du lịch được giao cho một doanh nghiệp là chủ đầu tư thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý khu du lịch đó theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý khu du lịch trong phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp khu du lịch thuộc ranh giới hành chính hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban quản lý khu du lịch trong phạm vi ranh giới hành chính do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý. Ban quản lý phối hợp hoạt động theo quy chế quản lý khu du lịch do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương ban hành và quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp khu du lịch gắn với khu vực có tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc di tích lịch sử - văn hoá đã có Ban quản lý chuyên ngành thì trong thành phần của Ban quản lý khu du lịch phải có đại diện của Ban quản lý chuyên ngành.
3. Khu du lịch có tài nguyên du lịch thuộc thẩm quyền quản l‎ý của cơ quan khác của Nhà nước mà có Ban quản lý chuyên ngành thì Ban quản lý chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý khu du lịch để tạo điều kiện cho việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch phục vụ khách tham quan, du lịch.
Điều 29. Quản lý điểm du lịch
Căn cứ vào quy mô và tính chất của điểm du lịch, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước đối với tài nguyên, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định hình thức tổ chức quản lý, bảo đảm các nội dung sau đây:
1. Bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường;
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan;
3. Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch;
4. Giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Điều 30. Quản lý tuyến du lịch
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý tuyến du lịch địa phương và phần tuyến du lịch quốc gia thuộc địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bảo đảm các nội dung sau đây:
1. Bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường dọc theo tuyến du lịch;
2. Tạo thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện chuyên vận chuyển khách du lịch;
3. Quản lý việc đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch dọc tuyến du lịch theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quyết định.

MỤC 2: ĐÔ THỊ DU LỊCH

Điều 31. Điều kiện công nhận đô thị du lịch
Đô thị có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là đô thị du lịch:
1. Có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và khu vực liền kề;
2. Có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; có cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch;
3. Ngành du lịch có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đạt tỷ lệ thu nhập từ du lịch trên tổng thu nhập của các ngành dịch vụ theo quy định của Chính phủ. 
Điều 32. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch
1. Hồ sơ đề nghị công nhận đô thị du lịch bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị công nhận đô thị du lịch của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ;
b) Bản sao quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Đề án đề nghị công nhận đô thị du lịch theo điều kiện quy định tại Điều 31 của Luật này.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị công nhận đô thị du lịch, đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương, các cơ quan hữu quan thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đô thị du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận đô thị du lịch; cơ quan quản l‎ý nhà nước về du lịch ở trung ương công bố đô thị du lịch.
Điều 33. Quản lý phát triển đô thị du lịch
1. Việc quản lý‎ phát triển đô thị du lịch phải bảo đảm các nội dung sau đây:
a) Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị theo định hướng phát triển du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Quản lý các dự án đầu tư phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch;
c) Bảo vệ tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch;
đ) Điều phối các nguồn lực của đô thị nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đô thị du lịch xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý đô thị du lịch phù hợp với yêu cầu bảo vệ tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường và định hướng phát triển du lịch của đô thị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét