22 tháng 11, 2011

Năm Thìn bão lụt ở Tây Ninh

KÝ ỨC THÁNG 8 NĂM THÌN BÃO LỤT Ở TÂY NINH
Di cảo của cố tác giả Xuân Sắc - Ngạc Thuỵ viết lại
*************************
     Ở Tây Ninh, kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có lẽ chỉ có trận bão lụt năm Nhâm Thìn (1952) là đáng kể. Trước đó, năm 1904 (Giáp Thìn) cũng đã xảy ra trận bão lụt gây thiệt hại nặng ở miền Tây Nam bộ nhưng Tây Ninh chỉ chịu ảnh hưởng không đáng kể. Trong kho tàng ca dao Nam bộ có câu:
Gặp đây mới biết em còn.
Năm Thìn bão lụt khóc mòn con ngươi.

do người xưa đúc kết lại sau trận lụt năm Giáp Thìn, 5.000 người chết ở Gò Công, còn thiệt hại về tài sản, hoa màu không kể xiết.
     48 năm sau, trận lụt năm Nhâm Thìn xảy ra mới thật sự đi vào lịch sử ở Tây Ninh. Năm ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tây Ninh đã vượt qua bao gian khổ buổi đầu, bắt đầu có nhiều thuận lợi, cơ sở được củng cố, bộ đội đánh đâu thắng đó. Các cơ sở sản xuất, ruộng rẫy hoa màu xanh tốt, mấy năm liên tiếp được mùa, các khu rẫy ruộng của “quân – dân – chánh” trên các vùng Trảng Còng, Tà Lơi, Tà Nốt, Tà Đạt, Tà Ét, Tức Tra, Sóc Con Trăn … lúa đang vào thời con gái búp đòng đòng, hứa hẹn thêm một mùa bội thu. Bộ đội, cán bộ vui mừng tin chắc sẽ được một năm ăn no đánh giặc tốt.
     Thế nhưng, ngày mồng 3 tháng 9 năm 1952, nhằm tháng 8 năm Nhâm Thìn, một hiện tượng thời tiết khác lạ đã xảy ra. Từ sáng mưa dầm rả rích, bầu trời xám xịt mây chì, những cơn gió thì lạnh se da. Linh tính điều không hay đang đến gần nên hầu hết mọi người đều ngồi nhà nhìn ra khoảng trời xám đục. Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Người già lẩm nhẩm đọc lại câu ca dao cho lũ con cháu nghe:
“Ông tha mà bà không tha.
Đã làm trận lụt mồng ba tháng mười”.
(Mồng ba tháng mười chỉ thời điểm xảy ra trận bão lụt năm Giáp Thìn). Mưa từ sáng đến chiều tối. Đèn dầu leo lét, chập chờn bởi gió, tắt từng chập. Mọi người lại lui cui bật quẹt lên. Có nhà bỏ mặc, để cho cảnh đen tối tràn ngập.
     Trời gần sáng, tất cả tỉnh giấc vì nước dâng lên ướt cả lưng. Nước tràn vào nhà từ bao giờ, khiến mọi người hốt hoảng, la hét bảo nhau: “Vậy là lụt thật rồi, mau lo dọn đồ chất lên chỗ nước chưa ngập tới”. Nước ngập đến đâu, lại khuân, bê  chất lên chỗ cao hơn đến đấy, cho đến khi trời sáng hẳn. Nước trắng xoá, khắp nơi náo động, nhà nhà bồng bế con cái, ôm gói áo quần chạy nước. Nước lên thật nhanh. Bấy giờ, không còn ai giữ nổi bình tĩnh, mạnh ai nấy chọn những đồ dùng thiết yếu ôm trên tay, vác trên vai, cõng trên lưng dắt dìu nhau lội nước lần lên nơi gò cao. Có nhà quýnh quáng bỏ hết của cải chỉ còn mang theo được cái... thân mình.
     Nước ngập cửa nhà, vườn tược. Trên rẫy, trong rừng, ngoài bưng, trong ruộng đều trắng nước. Nước giáp với nước, gặp gió lên nổi thành sóng, sóng nhổ cột nhà, sóng nhận chìm và kéo đi lều bều từng mái tranh ngoi ngóp. Tài sản, của cải đều bị nước nhận chìm. Những nhà sống dọc theo sông có ghe thì chất lên nào cơm gạo, quần áo, mùng mền, thúng nồi… cố chèo lên triền gò lánh nạn. Còn tất cả giao cho “hà bá” quản lý.
     Theo thống kê thời ấy, sông Vàm Cỏ Đông ở đoạn thuộc huyện Châu Thành nước lên cao 4 mét, chợ Tây Ninh 3,6 mét, vùng Suối Đôi, cầu Lộc Ninh đến 18,7 mét. Núi Bà Đen bị nước lũ xói mòn đá đứt chân lăn xuống, đùa nhau từ đỉnh đến chân núi ba đường sâu hoắm, rộng hơn 20 mét.  Đứng từ xa 30 cây số vẫn thấy rõ ba đường lở đỏ ối màu gạch nung, (đến bây giờ vẫn còn vết tích). Riêng trong vùng kháng chiến, hậu quả trận lụt cũng khá nặng nề. Các cơ quan tỉnh bị mất trắng 100% ruộng rẫy làm lúa, nhân dân thiệt hại 80%, vùng Châu Thành có 1.073 mẫu ruộng và 315 mẫu rẫy chỉ còn thu hoạch được 18 mẫu. Trảng Bàng bị mất hết 2/3 mùa màng, 220 nhà bị sập, 92 người chết. Dương Minh Châu thiệt hại thấp nhất cũng có hơn 50% mùa màng chìm trong biển nước. Nhiều người bị đói phải ăn củ nần, củ chuối, trái rừng thậm chí cả lá rừng thay cơm. Cán bộ, chiến sĩ mất sức xanh xao, đi tiêu phân xanh như phân sâu, thấy mà khiếp. Rồi họ đi mót lúa rẫy, đi quét “trái bông tre rừng” để giã lấy hạt ăn thay gạo, mỗi giạ trái tre lấy được 10 lít hạt, hạt ăn như hạt bo bo. Lúc bấy giờ mới thấy tình người càng dào dạt. Đồng bào đô thị tìm mọi cách tiếp tế gạo thóc cho đồng bào chiến khu. Đồng bào chiến khu quyết không bó tay, đã mở lại các tuyến đường chuyển gạo ở Campuchia, Đồng Tháp và các đô thị, rồi lao vào sản xuất, lấy ngắn nuôi dài. Rau dền, rau lang, bắp khoai lên thật xanh tốt nhờ phù sa do cơn lụt mang lại. Rồi một thời gian sau cũng ổn định được cuộc sống.
     Những ngày tháng ấy, kỷ niệm ấy đến nay còn ghi sâu trong bài hát “Lên ngàn”: Em đi lên rẫy Trảng Còng … Đường đi nước ngập mênh mang, bàn chân giẫm gai lòng không thở than …
     Năm Thìn bão lụt, kháng chiến Tây Ninh thêm một lần thử thách, những thử thách ấy càng làm dày thêm những trang chiến tích trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.
Ngạc Thụy -  Báo Tây Ninh Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét