22 tháng 11, 2011

Năm Thìn nói chuyện Rồng

Năm Thìn nói chuyện Rồng
00000000000000000000000000000000000
     Nhìn vào danh sách 12 con giáp : Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (cọp), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (heo), thì rồng xếp hạng thứ 5 sau mèo. Vì sao một con vật quý phái, thanh cao, đầy uy quyền và huyền thoại lại xếp hạng thứ 5 ? 
     Điều có thể giải thích là để được đăng quang trong mỗi 12 năm, nó phải thỏa mãn các tiêu chuẩn tuyển chọn nghiêm ngặt. Đó là nguyên tắc âm dương và chẳn lẻ. Chân rồng có 5 ngón, theo luật dương cơ, âm ngẫu (cơ là số lẻ, ngẫu là số chẵn) có thể tóm tắt thành công thức sau: Rồng = 5 ngón = lẻ = dương
     Đông tàn, Xuân đến là lẻ tất nhiên của đất trời. Hết âm (Năm Mão = mèo = 4 ngón = chẵn = âm) lại dương, là quy luật do con người đặt ra, đã được ngàn đời nay thừa nhận. Theo hệ đếm với cơ số 60 của thiên can và địa chi (gọi tắt là can chi), thì rồng xuất hiện 5 lần trong mỗi 60 năm ấy. Và mỗi lần hiện hữu diện mạo của rồng cũng mỗi khác. Tất nhiên trong đời sống tâm linh, sự thành đạt hay thất bại, sự vinh quang hay cay đắng, sự khỏe mạnh hay ốm yếu cũng thay đổi từ người này sang người khác, không ai giống ai. Đâu phải người nào cầm tinh con rồng đều có cơ hội “hóa rồng” cả.
     Tử vi phương Đông cho thấy 5 lần hiện ra của con rồng trong mỗi 60 năm với các bản mệnh khác nhau như sau:
- Mậu thìn:            Xương rồng,cốt quạ
- Canh thìn:           Xương rồng,cốt lạc đà
- Nhâm thìn:          Xương rồng,cốt sói
- Giáp thìn:            Xương rồng,cốt rắn
- Bính thìn:            Xương rồng,cốt chuột
     Do vậy người Nhật Bản và Trung Hoa đã dày công đúc kết cho người tuổi rồng những điều hay dở sau đây, mà tùy bản mệnh người cầm tinh con rồng tìm thấy các khía cạnh của cuộc đời mình trong đó: Tuổi rồng là người khỏe mạnh, năng nổ, xốc vác nhưng khó làm chủ bản thân, dễ bị khích bác kích động và dễ bị lôi kéo vào việc xấu. Họ dễ giàu và dễ được tiếng vang nhờ có tính ương gàn nhưng độ lượng. Họ được coi là người ban ơn và đem lại điều tốt lành cho người khác. Họ tìm được quần chúng ủng hộ và giúp đở. Thủy chung với người mình yêu. Về già thì nhàn nhưng không kín miệng.
     Nếu bạn hoặc người thân tuổi rồng,bạn có tìm thấy chút tương đồng nào không trong “lá số” tử vi này ?
     Cho dù bạn và người thân có được thơm thảo với cái tuổi rồng của mình hay không, thì ”rồng” đối với người Á Đông và nhất là đối với người Việt Nam luôn là biểu tượng tôn kính, thiêng liêng. Nó xuất hiện khắp các lăng tẩm, đình chùa, am miếu hoặc những nơi thờ phụng khác. Tất nhiên, chẳng ai ngạc nhiên khi nhìn thấy trên vách, bên bàn tiệc cưới hình ảnh rồng, phượng chan hòa. Đó là biểu tượng của sự giao duyên và hạnh phúc: “Long phượng sinh trường”.
     Trong cuộc trao duyên đó nhờ có cá tính, bản lĩnh cộng với sự may mắn, tài trai kiếm được vợ hiền và phận gái thuyền quyên không còn “trong nhờ, đục chịu”, mà kiếm được tấm chồng khôn. Cả 2 đều hạnh phúc:
“Làm trai lấy được vợ hiền,
Như cầm đồng tiền mua được của ngon.
Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.”
     Hình ảnh rồng trong văn chương bình dân mãi mãi là biểu tượng của những gì cao quý nhất, lý tưởng nhất. Thử lướt qua vài câu ca dao chọn làm ví dụ sau đây:
“Tình cờ ta gặp mình đây
Như cá gặp nước,như mây gặp rồng.”

“Trong lưng chẳng có một đồng
Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe.”

“Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại hóa ra dòng liu điu.”
     Không dừng lại ở đó, trong thuật phong thủy con người đã biết mượn oai rồng để đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống:
“Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày.”
     Rồng đen là hình ảnh của cái gọi là “vòi rồng” ngoài biển khơi, báo hiệu mưa thuận gió hòa, làm tốt tươi đồng ruộng, cỏ cây. Còn rồng trắng báo hiệu thời tiết khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ, mất mùa đói kém, đến Vua còn phải rời ngai vàng kiếm sống huống hồ dân dã.
     Với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, nguồn gốc “con rồng,cháu tiên” là niềm tự hào dân tộc về một cội nguồn cao quý, mang đầy tính nhân bản. Một chút “rồng” chảy trong huyết mạch chúng ta qua cuộc hôn nhân của 2 thủy tổ Long Quân (vua rồng) và Âu Cơ (mẹ tiên) .
     Rồng trong truyền thuyết là vậy. Rồng trong cuộc sống đời thường đứng đầu nhóm tứ linh: long – lân – quy – phụng (4 con vật được cho là linh thiêng nhất). Bởi vậy đám nhà mới cuả bạn nếu được mừng bộ tranh này, thì theo thứ tự đó mà treo, kẻo mang tiếng là “của ngon mang tới người phàm”, không biết chơi tranh.
     Trong thành ngữ tiếng Việt ,rồng đã tạo nên một bộ sưu tập khá phong phú:
- Biểu hiện sự sang hèn,tốt xấu:
     + Đầu rồng,đuôi tôm - Rồng đến nhà tôm - Vẽ rồng nên giun
- Biểu hiện sự sang trọng:
     + Thêu rồng,vẽ phượng - Chạm rồng,trổ phượng
- Biểu hiện sự may mắn:
     + Mả táng hàm rồng- Như cá gặp nước,như rồng gặp mây
     + Rồng mây gặp hội (long vân khánh hội)
- Biểu hiện sự xuất chúng:
     + Rồng bay, phượng múa - Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo
- Thêm vào đó là một số biểu tượng đẹp đẽ khác của rồng trong nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc:
     + Lưỡng long tranh châu - Rồng chầu mặt nguyêt - Lưỡng long chầu nguyệt - Đến “song long quá hải” cũng là một thế võ hay.
Riêng với từ “long”,thành ngữ Hán-Việt hé mở bao điều kỳ thú đáng để cho chúng ta suy ngẫm:
     1.Long bàn hổ cứ: Rồng nằm, hổ ngồi, chỉ thế đất hiểm yếu.
     2.Long hành hổ bộ (hoặc:Long tương hổ bộ): Rồng đi, cọp bước, chỉ tướng người uy vũ cúa vua chúa hoặc vỏ tướng.
     3.Họa long điểm nhãn: Vẽ rồng phải chấm con mắt, ý nói làm văn chương phải nắm chỗ yếu.
     4.Ngư chất long văn: Chất cá, vẻ rồng, chỉ ngoại hình thì đẹp, thực chất xấu xa.
     5.Ngư long hỗn tạp: Cá rồng ở lẫn với nhau, ý nói người tốt ở cùng kẻ xấu.
     6.Long phi phượng vũ: Rồng bay phượng múa, ý nói chữ viết đẹp, tài hoa phóng khoáng.
     7.Long tranh hổ đấu: Rồng tranh nhau, cọp đánh nhau, ý chỉ cuộc đấu tranh hoặc đua tài rất kịch liệt.
     8.Long đầu xà vĩ: Đầu rồng, đuôi rắn,ý nói lúc đầu dình dang, phát đạt,sau lại teo tóp suy sụp.
     Và thành ngữ “Long ngư thượng tân” hay “Thừa long thượng giới”, nghĩa là cưỡi rồng lên trời, một lần nữa được thể hiện một cách tài tình trong văn chương đương đại. Đó là bài “Ngọ” (Buổi trưa), trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh:
“Ngục trung ngọ thụy chân thư phục,
Nhất thụy hôn hôn kỉ cú chung;
Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ,
Tỉnh thời tài giác ngọa lung trung.”
(Trong tù khoan khoái giấc ban trưa
Một giấc miên man suốt mấy giờ.
Mơ thấy cỡi rồng lên thượng giới
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.)
     Cùng với tiến trình đi lên của dân tộc, trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Rồng là nơi hội tụ và hun đúc tinh thần dân tộc, vĩnh viễn là niềm hoài vọng và tự hào của mỗi con người Việt Nam.Vua họ Lý (Lý Công Uẩn) với giấc mộng rồng bay đã cùng toàn dân dựng nên một Thăng Long thành, trở thành kinh đô của ngàn năm văn hiến. Vẻ đẹp của rồng không chỉ có một Thăng Long, mà còn có bao nhiêu địa danh rải khắp dải đất chữ S dấu yêu như: Hạ Long, Bạch Long Vĩ, Bái Tử Long, Hàm Long (Hàm Rồng), núi Long Tu, Kim Long, Phước Long, Vĩnh Long, Cửu Long …
     Khảo cứu xa hơn một chút: Tiếng Pháp và tiếng Anh đều có chung một từ chỉ con rồng là “dragon”. Nếu ở phương Đông, rồng luôn là biểu tượng cho sự cao quý, may mắn và tốt đẹp, thì ở phương Tây chưa hẳn đã vậy. Dragon (tức rồng) còn ám chỉ một loại “sư tử Hà Đông”, đó là người đàn bà hung ác dữ tợn.
     Tiếc rằng, người viết đã không tìm thấy một thành ngữ mang từ “dragon” nào, ngoại trừ cụm từ “dragon de vertu” (tiếng Pháp) ám chỉ ngưòi đàn bà khó tánh! Còn những câu thành ngữ có rồng của ta khi chuyển sang tiếng Anh thì dáng rồng cũng mất hút. Đơn cử:
- Nói như rồng leo,làm như mèo mửa:
Great talkers are little doers; hoặc : Loud talking,litle doing.


Trứng rồng lại nở ra rồng,liu điu lại hóa ra dòng liu điu:
Like begets like; hoặc : Like parents,like children.
     Để kết thúc bài viết, xin tạm dừng ở đặc quyền Vua Chúa với những danh từ cao quý, tôn nghiêm của một thời vang bóng như: Long bào, long cổn, long đình, long giá, long nhan, long sàng, long thể, long xa …Và vài câu đố vui về “long” như là câu chuyện nhỏ bên ấm trà ngon vào một buổi chiều nhàn tản nào đó trong đời:
- Giường Vua ngủ gọi là long sàng; xe Vua đi gọi là long xa.
- Trên chóp mũ của Vua gọi là gì ? – Long pha,nói trại là “plafond”, tiếng Pháp có nghĩa là trần nhà.
- Vua đi nhảy đầm (dancing) gọi là gì ? – Long mắt,nói trại lại là lắc mông.
- Cuộc tình thơ mộng của Lạc Long Quân và Âu Cơ giữ 3 kỷ lục guiness nào?: Sinh 100 con, Vụ ly hôn đầu tiên, Dấu vết của sự bình đẳng - 50 con theo cha , 50 con theo mẹ .

Mai Hữu Phước - Ngũ Hành Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét