22 tháng 11, 2011

Những năm Thìn trong lịch sử

NHỮNG NĂM THÌN TRONG LỊCH SỬ
***********************

Mậu Thìn 248
     Bà Triệu, có tên là Triệu Thị Trinh, là người ở quận Cửu Chân.  Trước sự cai trị tàn ác của quan Đông Ngô, bà đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh chống lại.  Năm Mậu Thìn (248) nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Quan lại cai trị kẻ bị giết, người chạy trốn. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng.  
     Được tin thua trận, vua Ngô đã sai tướng Lục Dận đem quân sang giải cứu.  Sau khoảng 6 tháng chống chọi với quân Đông Ngô, bà bị thua, và đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 21 tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn (nhằm ngày 1 tháng 4 năm 248). Lúc ấy,  bà chỉ mới 23 tuổi.

Mậu Thìn 548
     Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục đã nối tiếp công việc của Lý Nam Đế, đánh đuổi giặc nhà Lương, lên thay để cai trị nước Vạn Xuân.  Ông dùng chiến thuật du kích, ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên cướp hết lương thực vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên không đánh được. Người trong nước gọi ông là Dạ Trạch Vương. Bãi ấy gọi là "bãi Tự Nhiên", đầm ấy là "đầm Nhất Dạ".

Giáp Thìn 944
     Ngô Quyền sinh năm 898, là người đất Đường Lâm.  Sau khi Kiều Công Tiễn sát hại cha vợ là Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đã chống lại khiến Kiều Công Tiễn phải cầu cứu nhà Nam Hán.  Năm 938, Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.  Ông đã sai người đem cọc lớn, đầu vạt nhọn có bịt sắt đóng ngầm ở cửa biển, rồi dụ thuyền địch tiến vào khi nước triều lên.  Khi nước triều xuống, quân ta đổ ào ra đánh, thuyền địch lui bị cọc đâm thủng, khiến quân địch bị giết rất nhiều. Năm Giáp Thìn 944, ông mất, thọ 47 tuổi. Đất nước thương tiếc người anh hùng đã có công bảo vệ quê hương.

Mậu Thìn 1028
     Năm Mậu Thìn 1028, vua Lý Thái Tổ qua đời.  Các hoàng tử là Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử.  Nhờ có tướng Lê Phụng Hiểu ra tay, chém chết Vũ Đức Vương ngay trận tiền, và Lý Thái Tông lên ngôi, là vị vua thứ hai của nhà Lý. Cuộc nổi loạn của ba hoàng tử kể trên được gọi là loạn tam vương. Cũng vì sự phản nghịch ấy cho nên vua Thái Tông mới lập lệ: cứ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội) làm lễ đọc lời thề rằng: Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỉ thần làm tội.

Bính Thìn 1076
     Năm Bính Thìn (1076), dưới thời vua Lý Nhân Tông, nhà Tống nhân vua còn nhỏ tuổi đã đem đại binh sang xâm lược nước ta. Quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại được đội quân nhà Tống tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt. Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được xem là của Lý Thường Kiệt, là một bản văn kêu gọi lòng yêu nước. Cũng trong năm Bính Thìn (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám ở kế sau Văn Miếu (ban đầu là cho các hoàng tử, sau mở rộng cho những người giỏi trong thiên hạ vào học), và chọn những người giỏi, những nhà khoa bảng cho vào dạy học. Đây là trường đại học đầu tiên của nước nhà.

Nhâm Thìn 1232
     Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn. Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt.
     Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau (2006), con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ.

Mậu Thìn 1388
     Sau khi vua Trần Duệ Tông chết ở mặt trận phương Nam, Thượng hoàng Nghệ Tông lập Trần Hiện lên ngôi vua ngày 13 tháng 5 năm Đinh Tỵ (1377), lấy hiệu là Trần Phế Đế. Vua nhu nhược nên quyền lực ngày càng rơi vào tay Hồ Quý Ly. Thượng hoàng Nghệ Tông giáng Phế Đế xuống làm Linh Đức Đại Vương, sau đó bức tử vào ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388) thọ 27 tuổi.
    Trần Thuận Tông là vị vua thứ 11 của nhà Trần. Ông lên ngôi năm Mậu Thìn 1388, lúc mới 11 tuổi, lập Thánh Ngâu là con gái Hồ Quí Ly làm hoàng hậu.  Một chiến công dưới triều đại ông là đánh thắng vua Chiêm Chế Bồng Nga do công của tướng Trần Khát Chân. 

Canh Thìn 1400
     Sự kiện lịch sử trong năm Canh Thìn 1400 là Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần.  Vua Trần Thiếu Đế lên ngôi khi mới 2 tuổi.  Hồ Quý Ly đã thao túng triều đình.  Trước đó, Quý Ly giết chết 370 người đã mưu mô giết Quý Ly, trong đó có thái bảo Trần Nguyên Hãn  và thượng tướng Trần Khát Chân.  Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly ép vua Thiếu Đế nhường ngôi, lập ra nhà Hồ.

Canh Thìn 1460
     Lê Thánh Tông là vị vua thứ năm của nhà Lê, lên ngôi năm Canh Thìn 1460, khi ông được 18 tuổi.  Trong gần 40 năm làm vua, ông đã tiến hành nhiều cải cách về chính trị, quân sự, kinh tế; khởi xướng bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của Việt Nam; đề cao những giá trị văn hóa dân tộc. Bản thân ông là một nhà thơ lớn, để lại nhiều tác phẩm có giá trị.  Nhà vua cũng cần mẫn học hành và chăm lo chính sự, đúng như lời nhà thơ tự thuật:
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.

Nhâm Thìn 1592
     Năm Nhâm Thìn (1592), quân Lê bắt đầu tổng tấn công, quân Mạc thua to, rút lui tháo chạy liên miên, Mạc Mậu Hợp đã phải lánh thân nơi huyện Phượng Nhãn (hay Phượng Nhỡn), nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, cắt tóc giả làm sư, vào chùa Mô Khuê ẩn náu. Quân Lê truy lùng ráo riết, phát giác được ông giả làm sư, lập tức bao vây chùa bắt ông giải về đại bản dinh. Ông tuyệt vọng than dài, nhưng trước mặt các tướng nhà Lê, ông vẫn anh dũng không khuất phục.  Trung tuần tháng 1 năm Nhâm Thìn (1592), Mạc Mậu Hợp bị chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, hưởng dương 29 tuổi, ở ngôi 28 năm.

Nhâm Thìn 1712
     Năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ học Hoa-lan đạo”.  Hoa Lan tức là Hòa Lan (Hollande). Người Hòa Lan sang buôn bán ở ngoài Bắc trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Vả lại, lúc bấy giờ người Việt Nam ta không phân-biệt được những nước nào, hễ thấy người Tây thì thường cứ gọi là Hòa Lan.

Canh Thìn 1820
     Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn.  Ông có tên là Nguyễn Phúc Đảm, là con trai thứ tư của vua Gia Long, sinh tại làng Tân Lộc, gần Sài Gòn.
     Được xem là một ông vua tài ba, Minh Mạng đã đưa ra xuất hàng loạt cải cách trong nhiều lãnh vực. Dưới triều Minh Mạng có nhiều cuộc nổi dậy diễn ra: Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân,… ở miền Bắc và Lê Văn Khôi ở miền Nam. Ngoài việc trừ nội loạn, Minh Mạng còn chủ trương mở mang thế lực ra nước ngoài. Ông đổi tên Việt Nam thành Đại Nam, và muốn cho đất nước trở thành một đế quốc hùng mạnh. Do không có thiện cảm với phương Tây, Minh Mạng đã khước từ mọi tiếp xúc với họ, đã ra chiếu cấm đạo đ tàn sát hàng loạt tín đồ theo đạo Chúa.
          Sưu tầm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét