18 tháng 6, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về Quê Bác

Phóng sự ngày 1
HÀNH TRÌNH VƯỢT TRƯỜNG SƠN VỀ QUÊ BÁC
Lộ trình
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - ĐĂK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
*************
     Xuất phát từ văn phòng Câu Lạc Bộ 3V tại địa chỉ 459 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM lúc 4 giờ sáng, chúng tôi gồm 13 thành viên xuôi theo quốc lộ 13. Qua cầu Bình Triệu, cầu Ông Dầu đến ngã 4 Bình Phước, như vậy là chúng tôi chính thức tạm biệt TP.HCM để đến với địa phận tỉnh Bình Dương. Tạm biệt thành phố thân yêu.
Tập thể Câu Lạc Bộ Hướng Dẫn Viên 3V
tham gia cuộc hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác
Tập thể Câu Lạc Bộ Hướng Dẫn Viên 3V 
tham gia cuộc hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác
     Là những hướng dẫn viên đã làm lâu năm trong ngành du lịch, đã đi khắp mọi miền đất nước (người trẻ nhất cũng đã có 2 năm kinh nghiệm), nhưng chúng tôi cũng không khỏi xao xuyến khi tạm biệt Sài Gòn, vì đây không phải là chuyến đi hướng dẫn khách mà là chuyến du khảo nội bộ dài ngày có đông anh em của câu lạc bộ đi cùng. 
     Mỗi người 1 suy nghĩ, 1 cảm giác bâng khuâng, nhưng không khí trên xe cực kỳ vui vẻ, những câu chuyện cười và đùa giỡn bắt đầu tuôn ra. Ngoài trừ bạn Thắng lùn hơi ngủ gà ngủ gật do mới đi Ninh Chữ về và trả khách xong lúc 12 giờ khuya, còn những bạn khác đều tỉnh như sáo.
     Lộ trình dự kiến ban đầu là đến ngã 4 Sở Sao mới quẹo phải theo tỉnh lộ 741 về ngã 3 Cổng Xanh nhưng đây là cung đường đã quen thuộc nên chúng tôi quyết định qua trạm thu phí đầu tiên đến Phường Phú Hòa là rẽ phải theo đường Lê Hồng Phong để đi vào tỉnh lộ 742 để biết chắc thêm tuyến đường này. Tuyến đường này cũng đi ra ngã 3 Cổng Xanh để nhập vào lại tỉnh lộ 741.
     Theo đường Lê Hồng Phong chúng tôi đi ngang qua khu dân cư Thành Lễ, Khu dân cư Hiệp Thành để đến tỉnh lộ 742 thuộc phường Phú Mỹ. Đây cũng là khu vực sẽ là trung tâm của thành phố mới Bình Dương.

GIỚI THIỆU VỀ TỈNH BÌNH DƯƠNG
***************
     Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Bình Phước, phía nam và tây nam giáp TP.Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh, phía đông giáp Đồng Nai. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh 30 km.
Lôgô biểu trưng của tỉnh Bình Dương

   Bình Dương cũng là tỉnh sở hữu 2 thị xã có dân số đông nhất nước, trong đó có 1 thị xã có 100% phường, không có xã (Dĩ An).
Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) đoạn qua TP.Thủ Dầu Một

Các đơn vị hành chính
    Bình Dương có 1 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện (với 91 xã/phường/thị trấn):
  1. Thành phố Thủ Dầu Một (năm 2012: đô thị loại II; năm 2015: đô thị loại I; 2020: là quận của Thành phố Bình Dương).
  2. Thị xã Thuận An (2015: đô thị loại II, 2020: đô thị loại I, quận của Thành phố Bình Dương).
  3. Thị xã Dĩ An (2015: đô thị loại II, 2020: đô thị loại I, quận của Thành phố Bình Dương).
  4. Huyện Bến Cát (2013: đô thị loại IV ; 2015: đô thị loại III; 2018: đô thị loại II; 2020: đô thị loại I, quận của Thành phố Bình Dương).
  5. Huyện Dầu Tiếng (2011 - 2020: thành lập thêm nhiều thêm nhiều thị trấn, phát triển dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp).
  6. Huyện Tân Uyên (2013: đô thị loại IV ; 2015: đô thị loại III; 2018: đô thị loại II; 2020: đô thị loại I, quận của Thành phố Bình Dương).
  7. Huyện Phú Giáo (2011 - 2020: thành lập thêm nhiều thêm nhiều thị trấn, phát triển dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp).
Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương

Địa hình, thổ nhưỡng

     Tọa độ địa lý: vĩ độ Bắc: 110°52' - 120°18', kinh độ Đông: 106°45' - 107°67'30"
     Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình chủ yếu là những đồi thấp, thế đất bằng phẳng, nền địa chất ổn định, vững chắc, phổ biến là những dãy đồi phù sa cổ nối tiếp nhau với độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, độ dốc 2-5°và độ chịu nén 2kg/cm². Đặc biệt có một vài đồi núi thấp nhô lên giữa địa hình bằng phẳng như núi Châu Thới (Dĩ An) cao 82m và ba ngọn núi thuộc huyện Dầu Tiếng là núi Ông cao 284,6m, núi La Tha cao 198m, núi Cậu cao 155m.
     Từ phía Nam lên phía Bắc, theo độ cao có các vùng địa hình:
     - Vùng thung lũng bãi bồi, phân bố dọc theo các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé. Đây là vùng đất thấp, phù sa mới, khá phì nhiêu, bằng phẳng, cao trung bình 6-10m.
     - Vùng địa hình bằng phẳng, nằm kế tiếp sau các vùng thung lũng bãi bồi, địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 3-12°, cao trung bình từ 10-30m.
     - Vùng địa hình đồi thấp có lượn sóng yếu, nằm trên các nền phù sa cổ, chủ yếu là các đồi thấp với đỉnh bằng phẳng, liên tiếp nhau, có độ dốc 5-120, độ cao phổ biến từ 30-60m.
     Các nhà thổ nhưỡng đã tìm thấy ở Bình Dương 7 loại đất khác nhau, nhưng chủ yếu là đất xám và đất đỏ vàng. Theo kết quả tổng điều tra đất năm 2000 thì hai loại đất này chiếm 76,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó đất xám chiếm 52,5%; đất đỏ vàng chiếm 24,0%.
     Đây là hai loại đất rất thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Chính nhờ điều kiện thổ nhưỡng này mà Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây Lái Thiêu, trải rộng trên diện tích 1.250 ha, thuộc địa bàn bốn xã, phường: An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định.
     Với địa hình cao trung bình từ 6-60m, nên chất lượng và cấu trúc đất Bình Dương không chỉ thích hợp với các loại cây trồng mà còn rất thuận lợi đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp.
     Trên địa bàn Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km.

Khí hậu

     Khí hậu Bình Dương mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa, từ tháng 5 ->11. Mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.
     Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 - 2.000mm với số ngày có mưa là 120 ngày. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9, trung bình 335mm, năm cao nhất có khi lên đến 500mm, tháng ít mưa nhất là tháng 1, trung bình dưới 50mm và nhiều năm trong tháng này không có mưa.
     Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5 °C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 29 °C (tháng 4), tháng thấp nhất 24 °C (tháng 1). Tổng nhiệt độ hoạt động hàng năm khoảng 9.500 - 10.000 °C, số giờ nắng trung bình 2.400 giờ, có năm lên tới 2.700 giờ.
     Chế độ gió tương đối ổn định, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Về mùa khô gió thịnh hành chủ yếu là hướng Đông, Đông - Bắc, về mùa mưa gió thịnh hành chủ yếu là hướng Tây, Tây - Nam. Tốc độ gió bình quân khoảng 0.7m/s, tốc độ gió lớn nhất quan trắc được là 12m/s thường là Tây, Tây - Nam.
     Chế độ không khí ẩm tương đối cao, trung bình 80-90% và biến đổi theo mùa. Độ ẩm được mang lại chủ yếu do gió mùa Tây Nam trong mùa mưa, do đó độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào giữa mùa khô và cao nhất vào giữa mùa mưa. Giống như nhiệt độ không khí, độ ẩm trong năm ít biến động. Với khí hậu nhiệt đới mang tính chất cận xích đạo, nền nhiệt độ cao quanh năm, ẩm độ cao và nguồn ánh sáng dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Khí hậu Bình Dương tương đối hiền hoà, không có thiên tai như bão, lụt…

Dân cư

     Bình Dương có diện tích tự nhiên 2695,5 km² và dân số (theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009) là 1.481.550 người. Do kinh tế phát triển nhanh, trong thời gian qua Bình Dương thu hút nhiều dân nhập cư từ các địa phương khác. Kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy: Trong 10 năm từ 1999-2009 dân số tỉnh Bình Dương đã tăng gấp đôi, là tỉnh có tốc độ tăng dân số cao nhất nước với tỷ lệ tăng trung bình 7,3%/năm.
     Theo số liệu tổng cục thống kê năm 2010 thì dân số Bình Dương là 1.619.900 người và mật độ dân số là 601 người/km².
     Trên địa bàn Bình Dương có 15 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh và sau đó là người Hoa, người Khơ Me.

Kinh tế

     Vùng đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai. Bắt đầu những năm 90, với chính sách trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, Bình Dương phút chốc trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, Bình Dương liên tục đứng ở vị trí số 1.
     Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Với chủ trương tạo ra một môi trường đầu tư tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2006, tỉnh đã có 1.285 dự án FDI với tổng số vốn 6 tỷ 507 triệu USD. Năm 2007, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút trên 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 2,5 lần so với năm ngoái. Vào năm 2006, một cuộc điều tra về "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)" đã được gửi tới 31.000 doanh nghiệp trên phạm vi 64 tỉnh, thành và nhận được sự hợp tác rất tích cực từ các doanh nghiệp, đã thực sự phản ánh sát thực nguyện vọng của các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. 
     Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006, tỉnh Bình Dương tiếp tục đứng đầu với 76,23 điểm, trong khi thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, lần lượt xếp thứ thứ 40 với 50,34 điểm và xếp thứ 7 với 63,39 điểm.
     Bình Dương có 28 khu CN đang hoạt động, trong đó nhiều khu CN đã cho thuê gần hết diện tích như Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, VSIP - Việt Nam Singapore, Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và 5. Các khu CN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 938 dự án đầu tư, trong đó có 613 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3,483 triệu USD và 225 dự án đầu tư trong nước có số vốn 2.656 tỉ đồng.
     Nhằm tăng sự thu hút đầu tư; hiện nay địa phương này đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu công nghiệp mới để phát triển công nghiệp ra các huyện phía bắc của tỉnh (Mỹ Phước 1,2,3; 6 khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương, Tân Uyên).
     Dự kiến đến năm 2020 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương và là một trong những đô thị hiện đại nhất Việt Nam.

Văn hóa

     Thuở xưa, Bình Dương là một phần của đất Gia Định nên đến nay đã có trên 300 năm lịch sử với những di sản văn hoá đặc sắc mà tiêu biểu là đờn ca tài tử. Ca nhạc tài tử sau này nở rộ ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng cái nôi sản sinh thì vẫn là Gia Định, trong đó có Bình Dương.
     Bình Dương còn là đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, đồng thời cũng đã xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực.

Quy hoạch

     Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương; gồm 6 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành với 112 xã, phường, thị trấn (60 phường, 39 xã, 13 thị trấn).
     - Các quận nội thành: Quận Thủ Dầu Một (9 phường) - Quận Trung Tâm (9 phường): là khu vực thành phố mới bây giờ - Quận Dĩ An (9 phường) - Quận Thuận An (10 phường) - Quận Bến Cát (13 phường) - Quận Tân Uyên (10 phường).
     - Các huyện ngoại thành: Huyện Bầu Bàng (3 thị trấn, 7 xã), tách ra từ Huyện Bến Cát cũ - Huyện Tân Thành (2 thị trấn, 10 xã), tách ra từ huyện Tân Uyên cũ - Huyện Dầu Tiếng (4 thị trấn, 13 xã) - Huyện Phú Giáo (4 thị trấn, 10 xã).

Thay đổi hành chính

     Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa kia. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12/1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10/1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập các tỉnh Bình Dương, và một phần tỉnh Bình Long. Như vậy Bình Dương là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền VNCH thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956. Tỉnh lị là Phú Cường. Tỉnh Bình Dương bao gồm 5 quận, 10 tổng, 60 xã (ngày 30/8/1957):
     - Quận Châu Thành, có 3 tổng là Bình Điền, Bình Phú, Bình Thiện; quận lị: Phú Cường.
     - Quận Lái Thiêu, có 1 tổng là Bình Chánh; quận lị: Tân Thới.
     - Quận Bến Cát, có 2 tổng là Bình An, Bình Hưng; quận lị: Mỹ Phước.
     - Quận Trị Tâm, có 1 tổng là Bình Thạnh Thượng; quận lị: Định Thành.
     - Quận Củ Chi, có 3 tổng là Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Long Tuy Thượng; quận lị: Tân An Hội. Quận Củ Chi trước đây thuộc tỉnh Gia Định, đến năm 1963 chuyển sang tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập.
     Năm 1959, cắt một phần đất, cùng với phần đất của 2 tỉnh Biên Hòa và Phước Long lập ra tỉnh Phước Thành. Tỉnh này tồn tại đến năm 1965 thì giải thể.
     Ngày 18/12/1963, lập thêm quận Phú Hòa, quận lị đặt tại Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, đến ngày 18/05/1968 dời về xã Tân Hòa. Quận Phú Hòa hiện nay nhập với quận Củ Chi thành huyện Củ Chi thuộc TP.Hồ Chí Minh.
      Năm 1974 dân số tỉnh Bình Dương là 260.008 người.
     Năm 1976 chính quyền mới hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (gồm hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ) thành tỉnh Sông Bé, nhưng đến ngày 06/11/1996 lại tách ra thành hai tỉnh như cũ.
     Khi tách ra, tỉnh Bình Dương có diện tích 2.718,5 km², dân số 646.317 người (tính cả 4 xã và thị trấn của huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước chuyển sang), gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An. Đến ngày 23/07/1999, huyện Thuận An được chia tách thành 2 huyện Thuận An và Dĩ An, huyện Bến Cát được chia tách thành 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng, huyện Tân Uyên được chia tách thành 2 huyện Tân Uyên và Phú Giáo. Như vậy, từ tháng 8/1999, Bình Dương có cả thảy 7 đơn vị hành chính cấp huyện.
     Ngày 13/01/2011, Chính phủ ra Nghị quyết 04/NQ-CP thành lập 2 thị xã mới là Dĩ An và Thuận An, trên cơ sở 2 huyện Dĩ An và Thuận An cũ.
     Ngày 02/05/2012, Chính phủ ra Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Dầu Một trên cơ sở thị xã Thủ Dầu Một cũ.

Điểm tham quan

     Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An (An Điền, An Tây và Phú An).
     Ngoài ra còn có khu du lịch Đại Nam là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á... Bình Dương hôm nay đang là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế đất nước với những thành tựu về đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết là kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài....

THÀNH PHỐ MỚI BÌNH DƯƠNG


*************
     Thành phố mới Bình Dương là dự án xây dựng trung tâm mới của tỉnh Bình Dương khởi công vào ngày 26/4/2010. Dự án rộng 1000 ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, xã Định Hòa thuộc TP.Thủ Dầu Một và các xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp thuộc huyện Tân Uyên, và xã Hòa Lợi thuộc huyện Bến Cát.
Bản đồ quy hoạch Thành phố mới Bình Dương

     Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) là đơn vị chủ đầu tư của dự án. Thành phố gồm:
     - Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao
     - Trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán
     - Văn phòng cho thuê, nhà hàng - khách sạn cao cấp
     - Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học
     - Các khu phục vụ cộng đồng: quảng trường, công viên, hồ sinh thái, trung tâm văn hóa, nhà trẻ, bệnh viện
     - Các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện ngầm, hệ thống liên lạc.
Lễ khởi công xây dựng TP mới Bình Dương vào ngày 26/04/2010

     Thành phố đáp ứng nhu cầu của khoảng 125.000 dân cư và khoảng 400.000 người thường xuyên có mặt làm việc trong thành phố.
     Dự kiến từ khi khởi công đến năm 2015 và năm 2020, tổng vốn đầu tư cho các dự án của trung tâm thành phố mới Bình Dương là hơn 150.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư cho công trình tạo lực là hơn 20.000 tỉ đồng.
Bản vẽ phối cảnh TP mới Bình Dương
Thành phố mới Bình Dương
Bản vẽ phối cảnh TP mới Bình Dương về đêm
     Tuy nhiên, TP mới Bình Dương hiện nay vẫn còn đất trống rất nhiều và vắng vẻ, đường mở rất rộng nhưng có lẽ chỉ phát triển trong tương lai. 
                                                                 Xin mời xem tiếp phần sau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét