25 tháng 7, 2016

Tháng 7 âm lịch: NGHI THỨC BÔNG HỒNG CÀI ÁO

NGHI THỨC LỄ BÔNG HỒNG CÀI ÁO
****************
Hoa hồng đỏ là biểu tượng Cha Mẹ vẫn còn sống
Hoa hồng trắng là biểu tượng Cha Mẹ đã mất
     Tục lệ cài hoa hồng (nghi thức bông hồng cài áo) vào mùa Vu Lan báo hiếu theo giáo sự Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh - Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam bắt đầu ở nước ta vào năm 1962, được xuất phất từ câu chuyện khi thiền sư Nhất Hạnh sang Nhật Bản công tác vào năm 1960 và được các sinh viên Nhật Bản thành kính cài lên ngực áo một bông hoa Cẩm chướng màu trắng trong Ngày Mẹ (Mother’s day) của người Nhật Bản. 
     Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962.
     "...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) 10/5. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
     Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan...”.  
     Và mùa Vu Lan năm 1962 tục cài hoa hồng lên áo được phổ biến ở nước ta. Cảm xúc từ bài viết của thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ bài văn trên viết ca khúc “Bông hồng cài áo”, một ca khúc cảm động về mẹ được vang lên vào mùa báo hiếu Vu Lan.
     Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
     Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.

Cài hoa hồng lên ngực áo
Các em nhỏ tham dự Lễ Vu Lan và cài hoa hồng lên ngực áo
Khóc nức nở trong khóa tu Vu Lan của các bạn trẻ
khi nghe các thấy giảng về công ơn của cha mẹ. Một hình ảnh tuyệt đẹp
     Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
     Sau hơn 50 năm được phổ biến tại Việt Nam, lễ cài hoa hồng lên áo đã như là một lễ hội đối với người Việt nói chung và giới Tăng Ni, Phật tử nói riêng. Lễ cài hoa hồng vào mùa Vu Lan đã thật sự trở thành lễ hội với đúng nghĩa và tầm vóc của nó hay chưa? Đó là câu hỏi cần suy ngẫm cho những người con Phật khi nhận định và phát triển nét văn hóa đẹp của Phật giáo, của dân tộc này.
     Từ những năm của thập niên 60 đến nay, lễ hoa hồng cài áo đã trở thành một trong những buổi lễ khá quan trọng và ý nghĩa trong nếp sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Có lẽ chỉ riêng Phật giáo Việt Nam mới có lễ hội Vu lan gắn liền với lễ hoa hồng cài áo này. Đây là nét đặc trưng nổi bật mà Phật giáo các nước không có. Vì thế, chúng ta cần làm sao phổ thông buổi lễ này để phần nào đền đáp công ơn và thực hiện ước nguyện của HT. Nhất Hạnh, người đầu tiên giới thiệu ý tưởng này qua tác phẩm “Bông hồng cài áo” và tổ chức tại Việt Nam.
     Hơn 50 năm qua, lễ cài hoa hồng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và góp phần xây dựng được nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo Việt Nam và của dân tộc. Tuy nhiên với khoảng thời gian dài như thế, vậy mà lễ này không thể phát triển thành lễ hội phổ cập khắp quần chúng. Dù biết rằng buổi lễ hoa hồng cài áo đã phong phú hóa khi nhiều chùa tổ chức trong ngày Vu Lan nhưng đã thực sự trở thành lễ hội chưa? Phạm vi tổ chức như thế, ý thức thực hiện như vậy chưa thật sự chuyển tải hết thông điệp của lễ hoa hồng cài áo. Như thế được xem như một sự lãng phí văn hóa trong khi có thể dễ dàng thực hiện. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy được những lễ cài hoa hồng ở các chùa mà hầu như ở Phật giáo miền Trung và Nam. Gần đây, miền Bắc cũng đã dần tiếp nhận, tổ chức nhưng vẫn còn xa lạ, bỡ ngỡ đối với nhiều người. Trong khi thói quen tặng quà, gởi lời chúc của Thiên Chúa giáo, Tin lành du nhập vào Việt Nam được bao lâu mà nhanh chóng bén rễ, và trở thành việc làm không thể thiếu với nhiều người có đạo hoặc không có đạo (đặc biệt là giới trẻ) khi mùa No-en đến?!
     Tinh thần Hiếu đạo, “uống nước nhớ nguồn” là nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Đạo Phật cũng lại là đạo Hiếu. Hai hệ tư tưởng này hòa quyện lại với nhau, nếu được chú trọng, quan tâm nhiều hơn nữa thì chắc chắn sẽ cứu vãn được việc suy thoái đạo đức hiện nay. Nếu trong đời sống người nào quên đi chữ Hiếu thì thật sự khẳng định người đó sẽ chẳng có chữ Lễ, chữ Nghĩa, chữ Tín, sẽ là người “đóng góp” cho xã hội những câu chuyện kinh hoàng: giết cha mắng mẹ… Chỉ với việc cài một hoa hồng tượng trưng cho tình thương của cha mẹ, tấm lòng tri ân, báo ân đã góp phần lớn trong việc khơi nguồn ý thức, nâng cao tinh thần Hiếu đạo. 
     Như vậy, chúng ta hãy làm sao cho “Hoa hồng xuống phố”, “Hoa hồng về nhà”… Cho dù chúng ta có tổ chức lễ cài hoa hồng thật lớn mà chỉ gói gọn trong phạm vi những ngôi chùa thì sẽ hạn chế đi ý nghĩa cao đẹp của nó. Mong sao việc cài hoa hồng tặng nhau sẽ xuống phố khắp nơi, sẽ về với mọi nhà… Mong sao, việc làm này trở thành nếp nghĩ, nếp sống của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Sẽ đẹp làm sao khi mùa Vu Lan về, tình cờ dạo bước trên phố, ai cũng được nhận được hoa hồng Hiếu đạo này. Chắc chắc, dù chúng ta có từng lãng quên đi tình thương của cha mẹ nhưng khi có người cài lên áo mình một bông hồng thì sẽ….! Hạnh phúc dâng tràn khi nhớ nghĩ về công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Hoài niệm về những quá khứ yên vui khi cha mẹ còn kề bên hay dàn dụa nước mắt khi đấng sinh thành đã đi vào dĩ vãng… Dù nước mắt có rơi nhiều nhưng đó là giọt nước mắt hạnh phúc khi hiểu được tấm lòng thương con như trời biển của cha mẹ. Từ đó ý niệm:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ thân yêu
Cố làm sao cho mẹ được vui nhiều
Và học hành làm người con hiếu thuận”
sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm mỗi người con.
     Đặt bước chân đến dự lễ Vu Lan, lễ cài hoa hồng là bước vào con đường thắp sáng niềm kính yêu đến cha mẹ - hai vị Phật gần gũi giữa cuộc đời này. Đưa “hoa hồng xuống phố” mang “hoa hồng về nhà” là vun bồi thêm, kết nối thêm tinh thần Hiếu đạo, để rồi dệt nên một màu hồng tôn kính Cha mẹ ở mọi nhà, mọi nẻo. Mong sao đây là nếp sống, nếp nghĩ của tất cả những người con, của văn hóa xã hội đầy nét nhân văn, hiếu đạo của chúng ta.
     Nguyện cầu những hoa hồng tươi thắm sẽ nở rộ trên khắp mọi nẻo đường, ai ai cũng có đóa hoa hồng, món quà nho nhỏ kính dâng Cha mẹ. Người ta thường nói, một cái chuông thực sự phải biết ngân vang, một bài hát sẽ vô hồn nếu không ai hát nó, cũng như tình yêu thương không nên nằm mãi trong tim mà nên trao tặng cho người khác khi còn có thể. Những đóa hoa hồng, biểu tượng tình yêu thương vô bờ bến của Cha mẹ, biểu tượng của tinh thần tri ân, báo ân, biểu tượng của tinh thần Hiếu đạo.
Thanh Hà sưu tầm và đăng bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét