10 tháng 10, 2013

Những trận đánh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

NHỮNG TRẬN ĐÁNH LỊCH SỬ
CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
*********************************
     Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh được xem là những trận đánh để đời của nhà thiên tài quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
     Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, tuy nhiên với tố chất là một thiên tài quân sự, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam cũng như của cả thế giới. Không trải qua bất kỳ trường lớp quân sự nào cũng không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội.
Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh,
Bác Võ Nguyên Giáp bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ
     Võ Nguyên Giáp được thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 20/01/1948 và trở thành vị Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam

     Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình ông đã chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn góp phần tạo ra những bước ngoặc lịch sử đối với công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân-đế quốc.
     Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu trở nên nổi tiếng trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947, lúc đó ông với tư cách là Tư lệnh chiến dịch đã đập tan chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp vào khu vực Bắc Cạn nơi mà Pháp cho là “Thủ đô mới” của Việt Minh.
Quân đội Việt Minh lúc đó còn non yếu cả về trang bị và kinh nghiệm trận mạc
nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người chỉ tay vào bản đồ)
đã đập tan âm mưu tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc của thực dân Pháp. 
Ảnh tư liệu
     Đến thắng lợi của chiến dịch biên giới năm 1950 dưới sự chỉ huy của Đại tướng đã góp phần quan trọng khai thông thế bế tắc cho căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới cũng như mở rộng căn cứ và thử nghiệm các chiến thuật cho quân đội nhân dân Việt Nam vốn thiếu kinh nghiệm trong các trận đánh lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trong chiến dịch Biên giới 1950
     Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, trận đánh mang tính lịch sử đối với đất nước cũng như đối với tên tuổi của ông không ai khác chính là Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 chính là chìa khóa cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng bàn kế hạch tác chiến
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
     Chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là một chiến thắng chấn động địa cầu. Lần đầu tiên trên thế giới quân đội của một nước thuộc địa nhỏ bé tại châu Á đã đánh bại quân đội một cường quốc tại châu Âu, trận đánh đã giáng một đòn chí mạng vào thế giới phương Tây cũng như nỗ lực duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng
vào lúc 17h30 ngày 13/03/1954, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ
     Đối với Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Sau khi quan sát trận địa trước giờ G, Đại tướng đã quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến từ “đánh  nhanh thắng nhanh sang đánh chậm thắng chắc”.
     Dưới sự chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với ý chí quyết tâm của toàn quân sự, đòng lòng chung sức của nhân dân, Điện Biên Phủ “pháo đài bất khả chiến bại” của thực dân Pháp đã bị đánh bại sau 56 ngày đêm.
Đại tướng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ sau chiến thắng
     Chiến thắng tại Điện Biên Phủ đã đưa tên tuổi của Đại tướng bay xa khắp năm châu, sau chiến thắng lịch sử này thế giới đã vinh danh ông  như là một trong những thiên tài quân sự của thế giới. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục thể hiện tài  năng quân sự lỗi lạc của mình bằng những trận đánh và quyết định lịch sử.
Chiến sĩ công kênh Đại tướng tổng tư lệnh
tại lễ mừng công ngày 13/05/1954
     Năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền Nam. Tuyến đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh đã trở thành “huyết mạch” cực kỳ quan trọng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra đường Trường Sơn vào mùa khô năm 1972
     Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 được xem là chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất đối với cuộc đời binh nghiệp của ông cũng như đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam của đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Quân ủy Trung ương
 theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975
     Sau Hiệp định Paris, Mỹ rút quân về nước, tình hình chiến trường miền Nam đã có những diễn biến có lợi cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất và ra quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
     Ngày 08/04/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, chính uỷ: Phạm Hùng, các Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, sau đó bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị.
     Trong chiến dịch này mệnh lệnh chỉ đạo nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”
Điện mật số 1574 lúc 9h30 ngày 7-4-1975 của Đại tướng Tổng tư lệnh
     Công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam dường như không thể kể xiết. Báo chí trong và ngoài nước không ngớt lời ca ngợi nhân cách và phẩm giá cao cả của ông. Năm 1984 Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã xét phong 10 vị tướng tài của thế giới. Việt Nam vinh dự là đất nước có 2 người được vinh danh là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
     Nhưng vượt lên trên tất cả các danh hiệu, nhân cách và phẩm giá cao cả của Đại tướng đã ghi dấu ấn một cách sâu đậm trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam. Từ những con người sát cánh cùng ông trong những năm tháng chinh chiến cho đến những thế hệ trẻ sau này chỉ biết đến ông qua sách báo và lời kể của ông bà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995 - ảnh Reuters

     Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời để lại trong lòng người dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. 

     Các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi nhớ đến ông cùng những chiến công hiển hách trong những năm kháng chiến chống thực dân - đế quốc, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ.
                                                                        Sưu tầm và đăng bài
                                                                             Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét