31 tháng 8, 2012

Những cá nhân tự chủ tạo nên một quốc gia độc lập

Kỷ niệm 67 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2012)

NHỮNG CÁ NHÂN TỰ CHỦ 

TẠO NÊN MỘT QUỐC GIA ĐỘC LẬP

******************
     Về cơ bản, không thể có quốc gia độc lập, tự chủ khi thiếu những cá nhân độc lập, tự chủ. Giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong sứ mệnh giúp người trẻ tự chủ tư duy, tự chủ cuộc đời...
Nghĩ về quá khứ và nhắc nhiều hơn đến tương lai
     Có lẽ ngày nhỏ, không ít người nghĩ về ngày 2/9 chỉ đơn giản là một ngày "được nghỉ". Ở nhiều quốc gia, ngày Quốc khánh thường là ngày bước ngoặt, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập, tự do, hạnh phúc… Tất nhiên là hạnh phúc trong sự hiểu biết, trong sự khai minh, chứ không phải hạnh phúc theo kiểu "tự sướng" lối AQ. Như ta biết, khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" có nguồn gốc từ thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc).

     Cần hiểu điều này trong mối quan hệ tương hỗ: Dân tộc độc lập mà dân quyền không tự do hay dân sinh không hạnh phúc thì sự độc lập đó có ý nghĩa gì? Nếu bụng đói ăn, đầu đói chữ và trái tim đói cảm xúc thẩm mỹ... sẽ khó nói là hạnh phúc, bởi lúc đó ta là nô lệ của giặc đói, giặc dốt và vô số giặc khác mà không hề biết. Một dân tộc/một con người không nhớ về quá khứ, cội nguồn của mình thì đó là một dân tộc/ một con người mất gốc. Nhưng một con người hay một dân tộc mà chỉ nhớ về quá khứ và gặm nhấm quá khứ mà sống thì đó là một dân tộc, một con người không có tương lai.
     Trong lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 40 của Singapore (9/8/1965-9/8/2005), trong diễn văn của mình, Thủ tướng nước này - ông Lý Hiển Long - dành rất ít thời gian để nói về 40 năm vừa rồi, phần lớn bài diễn văn nói đến 40 năm tiếp theo. Điều này cũng tương tự nhân dịp 60 năm ngày Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2005). Vì thế, nên chăng, nhân dịp sinh nhật đất nước, sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta nói nhiều hơn đến những việc sẽ làm gì trong chặng đường tiếp theo của mình. Và hy vọng, đến 100 năm kỷ niệm Tết Độc lập, thay vì chỉ nói nhiều về điều cha ông mình đã làm từ 100 năm trước, thì cũng nên nói về những gì mà con cháu đã làm được trong mấy chục năm qua, và đồng thời nói nhiều về con đường dài lâu 100 năm tới của dân tộc. Đó mới là tư duy tích cực và tư duy về tương lai.

Có ai coi trọng người đi ăn xin bao giờ đâu?
     Chắc hẳn ai cũng biết, để làm những việc đó, đất nước ta cần có những con người, nhất là người trẻ, tự chủ, độc lập, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, biết giã từ những tư duy xưa cũ, ấu trĩ, mông muội. Thực tế cho thấy, sẽ không bao giờ có tự chủ nếu không có tư duy độc lập. Từ tư duy độc lập, ta mới có tư duy phản biện, tư duy sáng tạo... Muốn biết đa số người trẻ có tư duy tự chủ không, đơn giản hãy đặt câu hỏi: Người trẻ có tư duy độc lập không?
     Một ví dụ thường thấy ở đa số người trẻ khi đi tìm một công việc, họ giữ nguyên hình thức mẫu "Đơn xin việc". Sự “xin việc” đã là một điều không ổn về mặt tâm thế. Ít ai tin tưởng những bạn trẻ này sẽ có những sáng kiến đột phá hay các tư duy tốt trong công việc. Một người có tư duy độc lập có đặc tính và dấu hiệu cơ bản là bất cứ việc gì họ nói, bất cứ việc gì họ viết và bất cứ việc gì họ làm... đều có mục đích và lý do. Vậy tại sao phải "xin việc"? Hợp tác với nhau mà làm ăn chứ, tại sao lại phải "xin"? Có ai coi trọng người đi ăn xin bao giờ đâu? Tại sao phải áp dụng những mẫu biểu khô cứng, vô hồn như thế? Đó là sản phẩm của lối "tư duy khuôn mẫu" (trước làm sao thì bây giờ làm vậy) và "tư duy bầy đàn" (mọi người làm sao thì mình làm vậy) chứ ít quan tâm đến chuyện "tại sao phải làm thế?" và "làm cái đó để làm gì?".
     Do vậy, nếu muốn sinh tồn một cách đàng hoàng trong thời đại ngày nay, trên thế giới này thì ít nhất là phải có tư duy độc lập, mọi thứ mình làm cần phải phải có lý do và mục đích rõ ràng, đó cũng là cơ sở của tự chủ, của sáng tạo, của thành công…
Giản Tư Trung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục - IRED)
     Một dân tộc/một con người không nhớ về quá khứ, cội nguồn của mình thì đó là một dân tộc/ một con người mất gốc. Nhưng một con người hay một dân tộc mà chỉ nhớ về quá khứ và gặm nhấm quá khứ mà sống thì đó là một dân tộc, một con người không có tương lai".
Báo Sinh viên Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét