30 tháng 8, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo:
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - BÌNH PHƯỚC - ĐĂK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - ĐĂK LĂK - BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
****************
     Nhân dịp đi qua thị xã Đồng Xoài, chúng ta hãy quay ngược dòng lịch sử để cùng tìm hiểu về trận đánh Đồng Xoài năm xưa đã tạo cho vùng đất này 1 địa danh kiêu hãnh: "Đồng Xoài rực lửa" và Đơn vị anh hùng: Đoàn Đồng Xoài các bạn nhé...
TRẬN ĐỒNG XOÀI NĂM 1965
***********
     Trong kháng chiến chống Mỹ, cứ điểm Đồng Xoài, còn gọi là Đôn Luân, nằm ở phía nam thị xã Phước Long, trùm lên quốc lộ 14 và tỉnh lộ 2, là cứ điểm mạnh trong tuyến phòng thủ sông Bé bảo vệ phía bắc Sài Gòn.
     Trung đoàn bộ binh 2, Quân giải phóng miền Nam sau khi tiêu diệt chi khu Phước Bình ngày 15-5-1965, được giao nhiệm vụ đánh Đồng Xoài. Ngày 9-6-1965, trong khi bộ đội ta đang lao vào chiếm lĩnh trận địa thì bất thình lình địch báo động. Tiểu đoàn 2 đang bí mật mở cửa tưởng bị lộ liền nổ súng. 

     Trước tình huống bất ngờ ngoài dự kiến, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã phải ban lệnh tiến công sớm hơn dự định 70 phút. Ta bị thương vong nhiều. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 phải đối phó gay go với lưới lửa dày đặc của địch trong gần 2 tiếng đồng hồ mới khai thông được cửa mở. Bộ đội ta xung phong đánh chiếm xong khu bảo an thì trời gần sáng. 
     Ở hướng Tiểu đoàn 1, lợi dụng được thời cơ địch đang lo đối phó với Tiểu đoàn 2, bộ đội ta nhanh chóng tiến thẳng vào khu biệt động quân. Địch bị thiệt hại một số, số còn lại ra hàng. 4 giờ sáng ngày 10-6, quân ta làm chủ đại bộ phận cứ điểm Đồng Xoài. Địch co cụm về sở chỉ huy, khu cố vấn Mỹ, dựa vào hầm ngầm để cố thủ. Ta trụ lại, bao vây.
     Trưa ngày 10-6, địch đổ một tiểu đoàn xuống Thuận Lợi hòng giải tỏa cho Đồng Xoài. Trung đoàn 1 Quân giải phóng nhanh chóng vận động đến bao vây, tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch vừa đổ xuống. Đây là trận đánh địch đổ bộ đường không đạt hiệu suất cao của Quân giải phóng Nam Bộ. 15 giờ ngày 10-6, địch dùng Tiểu đoàn 52 biệt động phản kích chiếm lại Đồng Xoài, nhưng bị ta đánh diệt một đại đội, số còn lại chạy tan tác. Quân viện bị đánh tan, địch không còn hy vọng cứu số quân đang cố thủ, đã ném bom xuống cứ điểm, làm quân chúng bị chết và bị thương thêm một số.
     17 giờ ngày 10-6, quân ta mở đợt công kích cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ trận địa. Ngày 12-6, các chiến sĩ Trung đoàn 1 phục kích đánh diệt gần hết Tiểu đoàn dù 7 ngay từ khi chúng từ Đồng Xoài lên Thuận Lợi. Qua ba ngày chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt và đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn chủ lực ngụy, làm chủ cứ điểm Đồng Xoài. Mỹ phải thừa nhận sự thất bại của quân ngụy.
     Thắng lợi của trận Đồng Xoài rất to lớn, nó khẳng định giá trị chiến lược của đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực trong quá trình phát triển của chiến tranh cách mạng miền Nam và đã cắm một cột mốc đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến tranh đặc biệt của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Theo QĐND Online

DIỄN BIẾN CHI TIẾT TRẬN: 
DIỆT CHI KHU ĐỒNG XOÀI 1965
     Trận tiêu diệt cứ điểm chi khu quân sự Đồng Xoài (địch gọi là quận Đôn Luân thuộc tỉnh Phước Long) mà chính quyền Sài Gòn cho là “Bất khả xâm phạm”  diễn ra trong đêm 09 rạng ngày 10.6.1965 là một chiến công oanh liệt, sáng ngời tinh  thần quả cảm của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 2. Nhưng một số chi tiết diễn biến của trận chiến đấu rất ác liệt này từ trước đến nay chưa nghe ai kể lại do ít người biết đến một cách cụ thể.
     Số là khi quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ, cấp trên chưa cho biết tên mục tiêu trận đánh. Nhưng nội dung cách đánh, phương án tác chiến và phương án dự phòng đều rất tỉ mỉ. Đúng 16 giờ ngày 09.6.1965 từ vị trí tập kết các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Nhiều người lính tự viết khẩu hiệu dán lên nón, lên báng súng và cả bao xe đạn trước ngực với nội dung là “Quyết tử giải phóng Đồng Xoài”, “Bị thương nặng không kêu la, bị thương nhẹ không rời trận địa” hoặc “Quyết tâm dứt điểm Đồng Xoài, không dứt điểm không về” v.v… Rõ ràng anh em đã đoán được mục tiêu tấn công địch lần này là ở đâu và cũng hình dung được trận này khó khăn ác liệt ra sao. Nhưng tuyệt nhiên không ai nao núng, ngược lại mọi người chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với một trận chiến đầy cam go sắp diễn ra
     Theo phương án tác chiến, thời điểm nổ súng  “giờ G” là 24 giờ. Lúc 21 giờ 25 phút đêm 9.6 các đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa. Anh em đào công sự được 15 phút thì bất ngờ các loại súng trong chi khu bắn ra như đổ đạn. Tiếp theo các trận địa pháo của địch ở Phú Giáo, Chơn Thành, Bình Long và Phước Long trút bảo lửa xuống chung quanh cứ điểm Đồng Xoài gần cả tiếng đồng hồ. Hầu hết các đường dây điện thoại liên lạc với chỉ huy sở Trung đoàn đều bị pháo của địch băm nát. Các chiến sĩ truyền đạt “chạy chân” của đơn vị thông tin chấp hành lệnh ra đi, nhưng nhiều người ra đi mà không trở về cho nên các đơn vị hoàn toàn mất liên lạc với Trung đoàn.
     Ở hướng chủ yếu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nguyễn Văn Cương (Sáu Cương) thấy hỏa lực địch bắn dồn dập kéo dài tưởng Trung đoàn đã cho nổ súng nên ra lệnh các loại hỏa lực khai hỏa và chạy ngay xuống mũi đại đội 7 ra lệnh đột phá cửa mở. Nhưng rồi chính trị viên đại đội 6, đại đội phó đại đội 8 hy sinh và phần lớn cán bộ chiến sĩ mũi đột phá của đại đội 7 đều đã hy sinh hoặc bị thương.
     Hướng thứ yếu Tiểu đoàn 4 cũng nghĩ cấp trên cho nổ súng nên tham mưu trưởng tiểu đoàn Ngô Công và đại đội trưởng Trần Ngọc Thế đưa đại đội 2 vào đột phá cửa mở dưới hỏa lực dày đặc của địch. Tham mưu trưởng Ngô Công và đại đội trưởng Trần Ngọc Thế hy sinh, chính trị viên đại đội 2 Nguyễn Văn Thới bị thương nặng và hầu hết mũi đột phá này cũng bị thương vong gần hết.
     Các mũi tổ chức đột phá liên tục cho đến trên 23 giờ vẫn không thành công. Địch tập trung hỏa lực và đưa xe cơ giới ra bịt chửa mở. Trong lúc đó các mũi đột phá ở cả hai hướng chỉ mở được 02 đến 03 lớp rào. Mặc dù bị tổn thất nặng nhưng  cán bộ chiến sĩ còn lại của các mũi đột phá không một ai nao núng tinh thần.
     Trước tình hình căng thẳng đó, Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý chớp nhoáng và báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch xin nổ súng trước “giờ G” đồng thời phân công nhau xuống đơn vị chỉ đạo khắc phục khó khăn, tổ chức lại lực lượng, động viên cán bộ chiến sĩ tiếp tục tấn công. Cụ thể trung đoàn trưởng Tạ Minh Khâm (Sáu Khâm) và chính ủy trung đoàn Nguyễn Văn Quảng (Năm Phòng) xuống Tiểu đoàn 5, chủ nhiệm chính trị trung đoàn Phan Khéo (Sáu Khéo) xuống Tiểu đoàn 4, tham mưu trưởng Trần Soa ở chỉ huy sở trung đoàn nắm các mối liên lạc.
     Gần 01 giờ sáng ngày 10 tháng 6, các mũi tiếp tục tổ chức đột phá. Hướng Tiểu đoàn 5, trung đoàn trưởng Sáu Khâm và tiểu đoàn trưởng Sáu Cương gom góp các loại hỏa khí bắn thẳng còn 01 khẩu sơn pháo 75 ly 02 quả đạn, 01 khẩu ĐKZ 75 ly được 03 quả đạn, 01 khẩu 12 ly 7 còn 100 viên đạn và súng phun lửa. Ra lệnh đưa lên sát hàng rào sẵn sàng bắn yểm trợ cho bộ binh đột phá cửa mở.
     Đại đội 7 trước đó đột phá hai lần không thành công, chính trị viên - bí thư chi bộ Lê Chí Tâm hội ý cấp ủy đại đội, tổ chức lại lực lượng đột phá lần thứ ba. Tiểu đội bộc phá phần lớn đã hy sinh và bị thương. Còn lại một mình tiểu đội phó Nguyễn Văn Sinh liên tiếp đánh 04 quả bộc phá của những đồng đội vừa ngã xuống để lại, mở cửa cho đơn vị đánh chiếm đầu cầu. Chính trị viên Lê Chí Tâm anh dũng hy sinh khi anh dẫn đầu đại đội xông lên vượt qua cửa mở.
     Tiểu đoàn 6 là thê đội dự bị, nhưng khi thấy cửa đã mở và phát hiện trong chi khu địch bắt đầu rối loạn, tham mưu trưởng Nguyễn Văn Thông và đại đội trưởng Đặng Văn Dung chớp thời cơ dẫn đại đội 12 đánh thọc sâu vào trung tâm; dập tắt từng ổ đề kháng, diệt những tên địch còn ngoan cố chống cự ở dinh quận trưởng và khu cố vấn Mỹ. Đại đội trưởng đại đội 13 Hà Quế Nam chỉ huy đánh chiếm khu hành chánh quận lỵ. Chi khu quân sự hoàn toàn bị cô lập nhưng còn ngoan cố chống trả quyết liệt.   
     Hướng Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn trưởng Trương Văn Đàng (Năm Đàng) ra lệnh cho đại đội trưởng đại đội 1 Tạ Quang Tỷ (Bảy Tỷ) dẫn 11 tay súng lập tức vận động ra cửa mở thay đồng chí Trần Ngọc Thế đã hy sinh, trợ lý chính trị tiểu đoàn Hà Văn Cheo (Ba Cheo) điều 01 khẩu 12 ly 7 còn 200 viên đạn, 01 khẩu ĐKZ 75 ly chỉ còn 01 quả đạn áp sát hàng rào dùng hỏa lực áp chế yểm trợ bộ binh đột phá. Sau đó  đồng chí Ba Cheo ở lại làm chính trị viên cùng Bảy Tỷ chỉ huy đại đội 2.
     Cấp ủy đại đội hội ý tại trận địa, quyết định đưa bộ đội lên sát hàng rào, chớp thời cơ xung phong đánh chiếm đầu cầu. Khi bộc phá nổ, đại đội trưởng Bảy Tỷ nhanh chóng dẫn đầu đơn vị xông thẳng vào cứ điểm địch. Mặc dù lúc này chính trị viên Ba Cheo và đại đội trưởng Bảy Tỷ đều bị thương nhưng vẫn xông vào trận địa tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. 
     Vừa tổ chức xong mũi đột phá thì đại đội 3 báo cáo bằng máy bộ đàm là: “Đại đội đang đánh quyết liệt với 01 đại đội biệt kích của địch án ngữ, cách ấp chiến lược Đồng Xoài 500m về phía bắc. Ta đã đánh chiếm được 01 công sự, Chính trị viên đại đội Phan Văn Mạnh hy sinh, đại đội trưởng Lê Minh Liên và đại đội phó Nguyễn Văn Hiền bị thương nặng”.
     Nghe báo cáo, tiểu đoàn trưởng Năm Đàng ra lệnh cho chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Văn Ứng (Út Ứng) và trợ lý tham mưu Quách Thanh Quang (Hai Quang) xuống củng cố và trực tiếp chỉ huy đại đội 3 tiếp tục đánh bọn biệt kích, sau đó phát triển sang ấp chiến lược. Đồng chí nói: “Chiếm  xong ấp chiến lược thì báo cáo về Tiểu đoàn, đánh không được đừng báo cáo …!”. Gần 01 giờ khuya ngày 10 tháng 6, ấp chiến lược Đồng Xoài được đại đội 3 Tiểu đoàn 4 giải phóng hoàn toàn. Ta bắt sống 60 tù binh gồm cả lính dân vệ, bảo an và biệt kích.
     Khi biết được đại đội của Bảy Tỷ đã đột phá thành công, tiểu đoàn trưởng Năm Đàng ra lệnh bằng điện thoại cho Út Ứng và Hai Quang củng cố đại đội 3 thành một mũi thật mạnh đánh cặp theo quốc lộ 14, mở cửa mở từ hướng đông, đánh thẳng vào sở chỉ huy quận trưởng, bắt tay với Bảy Tỷ. Chấp hành mệnh lệnh, đại đội 3 xốc lại đội hình còn 06 tay súng bộ binh, hỏa lực có 01 khẩu ĐKZ và 01 đại liên vừa thu được của địch với rất nhiều đạn.
     Hai Quang cùng Trần Văn Tảo (sau này Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn 4) dùng thủ pháo mở rào, đại đội xông lên diệt ngay chiếc “bù lu” (loại xe nồi đồng, bánh hơi, có pháo tự hành 70 ly) ngay cửa mở. Toàn đại đội nhanh chóng thọc sâu và phát triển vào tung thâm bắt tay được với Bảy Tỷ. Đến 05 giờ sáng ngày 10 tháng 6 ta chiếm được phần lớn các mục tiêu trong chi khu Đồng Xoài, làm chủ hoàn toàn khu biệt động quân, bảo an và khu hành chánh. Theo phương án chiến đấu, nhiệm vụ tiếp theo là trung đoàn trụ lại, sẵn sàng đánh địch phản kích. Chủ yếu là không cho địch đổ quân bằng trực thăng xuống chi khu mà phải đổ xuống phía bắc, nơi Trung đoàn 1 đã bố trí sẵn lực lượng chờ địch.
     Khi trời sáng, địch huy động máy bay đến bắn phá, ném cả bom na pan xuống các khu vực nghi bị ta chiếm giữ. Nhiều công sự bị sập, một số nhà trúng bom cháy dữ dội, nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương, hy sinh. Nhưng bộ đội vẫn kiên cường bám trụ trận địa không để địch đổ quân bằng trực thăng xuống chi khu. Trời nắng gắt, cơm và nước uống không kịp đưa vào trận địa nên gạo rang và những bi đông nước còn ít ỏi đều phải dành cho thương binh. 
     Khoảng 15 giờ ngày 10/06, địch đổ Tiểu đoàn 52 biệt động quân xuống hướng đông bắc chi khu. Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 tổ chức lực lượng phối hợp cùng các đơn vị của Trung đoàn 1 chặn đánh, diệt một đại đội, số còn lại tháo chạy. Ngày 11/06, Trung đoàn được lệnh thu dọn chiến trường, rút về vị trí tập kết. Trung đoàn 1 còn tiếp tục tấn công tiêu diệt những đơn vị quân địch đến viện binh. Đến lúc này khi nhận thấy không thể cứu vãn được tình thế, địch cho máy bay ném bom hủy diệt cả số binh lính của chúng ở chi khu may mắn còn sống sót.
     Trận then chốt: Tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài trong chiến dịch Sông Bé – Phước Long kết thúc thắng lợi. Địch ở đây bị ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 600 tên. Về đơn vị bị diệt có 04 đại đội biệt kích, 01 đại đội bảo an, 01 đại đội dân vệ, 01 trung đội pháo 105 ly, 01 trung đội cảnh sát và 01 chi đội xe cơ giới. Ta bắn rơi 07 máy bay, thu 148 khẩu súng các loại, gần 02 vạn viên đạn. Trung đoàn 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng bị tổn thất khá nặng: 134 cán bộ chiến sĩ hy sinh và 290 đồng chí khác bị thương.
     Đây là trận chiến đấu rất quyết liệt mà từ thủ trưởng đơn vị đến chiến sĩ đều dũng cảm đột phá, quyết chiếm cho bằng được cứ điểm của địch bằng mọi giá. Cái giá ấy là hằng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh hoặc bị thương trước cửa mở để cuối cùng làm nên một Đồng Xoài rực lửa. Chiến thắng này đã chứng minh tinh thần chiến đấu rất kiên cường của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2, xứng đáng sau đó được mang danh hiệu vẻ vang: Đoàn Đồng Xoài.
NGUYỄN CỨ ghi theo lời kể của QUÁCH THANH QUANG
Người đăng bài: Hồ Thanh Hà
Xin mời xem tiếp phần sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét