30 tháng 8, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình Vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo:
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - BÌNH PHƯỚC - ĐĂK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - ĐĂK LĂK - BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
***************
GIỚI THIỆU VỀ THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
*************************

I.VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

     Thị xã Đồng Xoài được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2000; cùng với hai thị xã Phước Long, Bình Long và 8 huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Hớn Quản hợp thành đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước.
     Đồng Xoài có diện tích là 169,6 km² và dân số là 80.099 người (năm 2009).

     Là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước. Đồng Xoài ở phía Nam của Bình Phước. Phía Tây giáp huyện Chơn Thành, phía Bắc, Đông và Nam giáp huyện Đồng Phú, phía Tây Nam giáp tỉnh Bình Dương. 
    Thị xã Đồng Xoài có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Tân Bình, Tân Đồng, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Thiện và các xã Tân Thành, Tiến Hưng, Tiến Thành.
     Đồng Xoài cách TP.Hồ Chí Minh 110 km, cách đường biên giới Camphuchia 110 km. Đồng Xoài có các đường giao thông quan trọng là quốc lộ 14, đường liên tỉnh ĐT741 là những con đường huyết mạch nối liền Tây Nguyên với TP.Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có đường Lê Qúi Đôn (đường ĐT.753) đi ra tỉnh Đồng Nai. Trong tương lai sẽ có tuyến đường sắt từ tỉnh Đắc Nông đi qua Đồng Xoài đến cảng Thị Vải tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đó là những lợi thế của Đồng Xoài để tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. 

II.TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
     Đồng Xoài là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, địa danh Đồng Xoài đã đi vào lịch sử với mốc son chói lọi “Đồng Xoài rực lửa chiến công” (09/6/1965) - là biểu hiện tinh thần anh dũng, ý chí quyết thắng của nhân dân Đồng Xoài nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.
     Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Đồng Xoài đã một lòng một dạ sắt son theo Đảng, đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân, đế quốc và tay sai, Đồng Xoài đã cùng cả nước giành thắng lợi trong cách mạng Tháng Tám 1945, rồi tiếp nối 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ và nhân dân Đồng Xoài rất đỗi tự hào đã cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
     Từ sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đồng Xoài lại tiếp tục bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh vững chắc, đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Đồng Xoài văn minh giàu đẹp, để xứng đáng với truyền thống của vùng đất anh hùng.

III.ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
     Nằm ở độ cao trung bình là 88,63 m so với mặt nước biển, có thể xếp Đồng Xoài vào vùng cao nguyên dạng địa hình đồi, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam với hai dạng địa hình chủ yếu. Dạng địa hình đồi thấp lượn sóng, phân bố hầu hết trên địa bàn thị xã, chủ yếu là đất đỏ phát triển trên đất đá bazan và đất xám phát triển trên phù sa cổ. Dạng địa hình bưng bàu thấp trũng, nằm xen kẽ với dạng địa hình đồi thấp lượn sóng, thổ nhưỡng thường gặp trên dạng địa hình này là đất dốc tụ, mùn glây...
     Khí hậu Đồng Xoài chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến tháng 10. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.598 ml rải đều trong các tháng. Vào những tháng cuối mùa mưa đầu mùa khô thời tiết thường se lạnh vào đêm. Mùa khô nhiệt độ ban ngày thường cao nhất cả nước, tuy nhiên nhiệt độ cao chỉ kéo dài trong khoảng một tháng rồi giảm dần. Nhìn chung, khí hậu Đồng Xoài nắng ấm quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 26,7 0 C, với nền nhiệt độ cao quanh năm, độ ẩm cao và nguồn ánh sáng dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Khí hậu Đồng Xoài tương đối hiền hoà, ít thiên tai bão, lụt…
     Về tài nguyên thiên nhiên, Đồng Xoài có nguồn tài nguyên đất đai giàu có, trong đó đất có chất lượng trung bình trở lên thích hợp cho sản xuất nông – lâm nghiệp là 40.627 ha, đất có độ phì cao chiếm 11.894 ha, đất đỏ bazan chiếm 3.343 ha, đất kém chất lượng chỉ có 2.128 ha. Nhìn chung đất đai của Đồng Xoài có tầng phong hóa khá dày, thích hợp với việc trồng các cây công nghiệp, nhất là cây cao su và cây điều. Trên địa bàn Đồng Xoài có 315 ha rừng trồng (xã Tân Thành có 270 ha; xã Tiến Hưng có 45 ha), không có rừng tự nhiên.
     Trong lòng đất Đồng Xoài có một số loại khoáng sản phi kim có trữ lượng lớn. Ở ba xã Tân Thành, Tiến Thành và Tiến Hưng có khoáng sản phún sỏi đỏ với trữ lượng khoảng 3,6 triệu m3; đá xây dựng có trữ lượng khoảng 40 triệu m3; Ở phường Tân Xuân và xã Tiến Thành có khoáng sản đất sét với trữ lượng 8 triệu m3…Các loại khoáng sản là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp xây dựng phát triển.
     Tài nguyên nước Đồng Xoài gồm nước ngầm và nước mặt. Nước ngầm tập trung ở khu vực phía Nam thị xã, nguồn nước ngầm có 03 tầng trữ nước với chất lượng tốt. Độ sâu trung bình của nguồn nước ngầm từ 60-100 m. Lưu lượng nước ngầm từ 5-9 lít/giây, ở vùng trũng có thể từ 9-12 lít/giây. Nguồn nước mặt trên địa bàn Thị xã có diện tích khoảng 101,35 ha các sông, hồ, đập lớn như: Sông Bé chạy theo ranh giới phía Tây thị xã khoảng 10 -12 km; Suối Rạt chạy theo ranh giới phía Đông Nam thị xã; Suối Cam, Suối Sông Rinh, Suối Sam Bring, Suối Dríp, hồ Tà Môn (Tân Thành), Đập Phước Hòa (xã Tiến Hưng)… là nguồn nước chủ yếu để phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt.

IV.ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI HÀNH CHÍNH.
  1. Đặc điểm dân cư:
     Khi mới giải phóng (26/12/1974), dân số của Đồng Xoài mới chỉ có 4.370 người sống tập trung ở một số khu vực, đồng bào dân tộc S'Tiêng sống ở khu vực xã Đồng Tâm, người Khmer sống ở khu vực xã Tân Phước và người Kinh sống ở khu vực xã Tân Phú, Đồng Tiến và Thuận Lợi.
     Thực hiện chủ trương của Đảng về việc phân bổ dân cư, thành lập vùng kinh tế mới, trong 02 năm 1975-1976 huyện Đồng Xoài tiếp nhận 6 đợt dân từ TP.Hồ Chí Minh với 25.000 người đi xây dựng kinh tế mới. Khi tiếp nhận dân cư, huyện bố trí sống dọc theo hai trục lộ quốc lộ 14 và đường số 2 (nay là đường ĐT.741) để thành lập các xã kinh tế mới là: xã Tân Hưng, Tân Lợi, Tân Hòa, Tân Lập và Tân Thành.
     Đầu năm 1978, huyện Đồng Phú tiếp nhận 823 người dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đi xây dựng kinh tế mới, huyện đã phân bổ số dân cư này thành lập  02 hợp tác xã Thái Nguyên, Thái Thọ. Đến tháng 3/1978, Đồng Phú lại tiếp nhận thêm 50 hộ với 300 người dân huyện Thái Thụy đi xây dựng kinh tế mới, huyện tổ chức để số dân cư này sống xen kẽ tại xã Tân Hưng.
     Ngoài việc tiếp nhận dân cư đi xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng, trong thời gian cuối năm 1976 - đầu năm 1977, huyện Đồng Phú còn tiếp nhận thêm 5.588 người dân tự di chuyển từ các nơi khác trong cả nước đến sinh sống trên địa bàn (trong đó có các xã thuộc khu vực Đồng Xoài ngày nay).
     Theo thời gian, dân cư từ các nơi đến lập nghiệp ở Đồng Xoài ngày càng trở nên đông đúc, trong số đó có cả đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc di dân tự do đến Đồng Xoài đã làm cho số lượng các thành phần dân tộc ở Đồng Xoài tăng lên rõ rệt và tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Đồng Xoài.
     Từ chỗ dân số Đồng Xoài chỉ có hơn 4 ngàn người khi mới giải phóng, đến nay dân số của thị xã đã trên 82 ngàn người, mật độ trung bình 485 người/km2, cao nhất trong toàn tỉnh. Hiện ở Đồng Xoài có 20 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, bao gồm: Khơme; Tày, Nùng, S’tiêng, Mường, Thái, Dao, Sán chay, MNông, Giarai, Hmông, Mnông, Choro, Giáy, Cơlao, Dao… Các dân tộc thiểu số sống đan xen với nhau, với người Kinh trong tất cả các xã phường của thị xã.
     Trên địa bàn Đồng Xoài có 03 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo, Tin lành với hơn 10.000 tín đồ, chiếm 12,24% tổng dân số. Trong đó, Phật giáo 5.000 tín đồ (chiếm 6,2% dân số), Công giáo 5.000 tín đồ (chiếm 5,98% dân số), Tin lành 350 tín đồ (chiếm 0,44% dân số), các tôn giáo khác 72 tín đồ đang sinh hoạt tại 02 giáo xứ (Đồng Xoài, Tiến Hưng), 01 giáo họ (Tân Thành), 02 chùa (Quang Minh; Thanh Quang), 05 điểm nhóm đạo Tin lành và ở một vài điểm thờ tự khác như: Tịnh thất Vạn Phát (Tân Xuân), Tịnh xá Hoàng Mai (Tân Thành), cơ sở thờ tự Đức thánh Trần Hưng Đạo (Tân Phú)… Phần lớn các tôn giáo hoạt động trước năm 1975. Trong những năm qua, các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Đồng bào có đạo đã tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
  2. Những biến đổi về địa giới hành chính.
     Dưới thời Pháp thuộc, Đồng Xoài thuộc quận lỵ Bà Rá. Trong bộ máy hành chính của Mỹ ngụy, Đồng Xoài là quận lỵ Đôn Luân của tỉnh Phước Long. Về phía ta, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa bàn thị xã Đồng Xoài thuộc tỉnh Phước Long. Trong từng thời kỳ có tên gọi là: huyện ủy Đồng Xoài, K.127 và K.17.
     Trước ngày được giải phóng, địa bàn thị xã Đồng Xoài ngày nay thuộc K.17 gồm bốn xã là: xã Đồng Tâm, Tân Phước, Đồng Tiến, Thuận Lợi và khu ấp chiến lược Phước Thiện 3 (sau khi giải phóng Đồng Xoài đặt tên lại là xã Tân Phú).
     Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn, thực hiện chủ trương của Đảng về việc phân bổ dân cư, thành lập vùng kinh tế mới, trong 02 năm 1975-1976 huyện Đồng Xoài đã tiếp nhận nhân dân từ TP.Hồ Chí Minh, và các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến Đồng Xoài lập nghiệp. Khi tiếp nhận dân cư từ các nơi đến huyện đã tổ chức để thành lập cơ sở hành chính ở vùng kinh tế mới. Chỉ trong 02 năm 1975 - 1976, huyện Đồng Xoài đã phát triển thêm 5 xã mới: Tân Hưng, Tân Lợi, Tân Hòa, Tân Lập và xã Tân Thành.
     Cuối năm 1976, huyện Đồng Xoài (K.17) và huyện Phú Giáo sáp nhập thành huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Sông Bé. Tháng 2/1977, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh, huyện Đồng Phú tiến hành sáp nhập một số xã (trong đó có các xã thuộc huyện uỷ Đồng Xoài trước đây) của huyện để thành lập đơn vị hành chính mới. Để giữ lại tên của một địa danh anh hùng, huyện Đồng Phú sáp nhập 03 xã Tân Phú, Tân Phước và Đồng Tâm thành xã Đồng Xoài. Các xã Thuận Lợi, Đồng Tiến hợp với xã Đức Phú thành xã Phú Riềng. Các xã còn lại của huyện Đồng Xoài được giữ nguyên tên gọi và thuộc đơn vị hành chính cơ sở của huyện Đồng Phú.
     Đến năm 1994, căn cứ Nghị định số 77/CP ngày 01/8/1994 của Chính phủ về việc thành lập thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Bến Cát, Thuận An, Tân Uyên thuộc tỉnh Sông Bé; xã Đồng Xoài được nâng cấp thành thị trấn Đồng Xoài - là trung tâm hành chính huyện Đồng Phú. Ngày 01/01/1997, khi tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, thị trấn Đồng Xoài trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước.
     Ngày 01/9/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 90/1999/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Đồng Xoài trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Đồng Xoài, xã Tân Thành và 2/3 diện tích và dân số xã Tân Hưng. Ngày 01/01/2000, thị xã Đồng Xoài chính thức đi vào hoạt động theo cơ cấu một đơn vị hành chính mới. Đồng Xoài trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Bình Phước. Theo nghị định 90, thị xã Đồng Xoài gồm 04 phường là: phường Tân Xuân, Tân Phú, Tân Đồng, Tân Bình và 03 xã: Tân Thành, Tiến Thành và xã Tiến Hưng. Đến năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2007/NĐ-CP thành lập phường Tân Thiện trên cơ sở một phần diện tích và dân số phường Tân Xuân.

V.TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN.
     Thị xã Đồng Xoài là trung tâm Tỉnh Bình Phước, là vùng có mật độ dân cư đông đúc, tốc độ đô thị hóa cao, được xác định là một trong những vùng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước. Với định hướng tập trung phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp - du lịch…Sau 10 năm thành lập với sự lãnh đạo năng động, sáng tạo của Đảng bộ thị xã, sự quản lý, điều hành có hiệu quả của chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, lại được tỉnh quan tâm đầu tư để xây dựng Đồng Xoài trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh, do vậy Đồng Xoài có ưu thế, tiềm năng để phát triển.
     1. Kết cấu cơ sở hạ tầng đang trên đà xây dựng và phát triển là điều kiện thuận lợi để Đồng Xoài có thể thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
      Mạng lưới giao thông những năm gần đây phát triển khá mạnh, hệ thống đường đô thị được nâng cấp và làm mới khá nhiều. Hiện trên địa bàn thị xã hình thành 02 tuyến giao thông vuông góc với nhau là quốc lộ 14 và đường tỉnh ĐT.741 đã hoàn thiện với quy mô 4-6 làn xe, mặt đường bê tông nhựa, lộ giới 42-52 m. Một số đường trục chính của các phường xã đã được hình thành với chiều rộng mặt đường 9-20 m. Mạng lưới đường bộ có đường nhựa tới tất cả các xã-phường. Tổng chiều dài hệ thống đường bộ toàn thị xã khoảng 210,42 km, trong đó đường quốc lộ 17,7 km (chiếm 8.4%), đường tỉnh 12.84 km (chiếm 6.1%) và đường do địa phương quản lý 179,88 km (chiếm 85,5%).
     Mạng lưới cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường đang từng bước được đầu tư xây dựng. Hệ thống nước sạch thị xã do công ty cấp thoát nước tỉnh quản lý gồm 01 nhà máy nước với công suất 4.800 m3/ngày.đêm; 01 đài cấp nước dung tích 300 m3 tại phường Tân Phú và hệ thống đường ống chuyển tải và phân phối 10.000 m3/ ngày.đêm tại 5 phường và xã Tiến Thành. Hệ thống thoát nước trên toàn thị xã dùng chung cho cả nước thải sinh hoạt và nước mưa tại khu vực nội ô có khoảng 15 km, trong đó dọc theo đường Phú Riềng Đỏ 04 km, đường Hùng Vương 01 km, đường Trần Hưng Đạo 01 km, khu trung tâm hành chính tỉnh khoảng 05 km.
     2. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm của tỉnh Bình Phước, có mật độ dân cư đông đúc, có tốc độ đô thị hóa cao và được xác định là một trong những vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước. Với định hướng tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - du lịch gắn liền với các trục giao thông quan trọng: đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14, đường ĐT 741…. Đồng Xoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án khu công nghiệp Đồng Xoài ở phía Nam và Tây Bắc thị xã gồm: Khu CN Đồng Xoài 1 xã Tân Thành; khu CN Đồng Xoài 2 xã Tiến Thành và khu CN Đồng Xoài 3, 4 xã Tiến Hưng với tổng diện tích 505 ha. Hiện khu CN Đồng Xoài 1, 2 đã có 7 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trong nước 348,5 tỷ đồng và 12,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án đã tạo việc làm cho 860 lao động. Khu CN Đồng Xoài 3, 4 đang đang triển khai thu hút đầu tư và hoàn chỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
     Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, đặc biệt khu Trung tâm thương mại thị xã Đồng Xoài có diện tích trên 40 ngàn m2 được xây dựng và đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu giao dịch, mua bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thị xã và tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ tăng trưởng và cải thiện mỹ quan đô thị. Những năm gần đây, số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại đều tăng, doanh số bán lẻ trên thị trường đạt tốc độ tăng bình quân khá ấn tượng. Tốc độ doanh số mỗi năm tăng từ 20%-22%.
     Nằm trong khu vực có nhiều sông suối, hồ đập, quần thể thực vật khá phong phú do đó cảnh quan thiên nhiên của Đồng Xoài tương đối đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các khu vực có khả năng phát triển du lịch sinh thái. Mặc dù hiện nay Đồng Xoài không có các điểm du lịch và các điểm di tích lịch sử nhưng với vị trí địa lý gần các điểm du lịch sinh thái như hồ Suối Lam, hồ Thác Mơ, vườn quốc gia Cát Tiên,…các điểm di tích lịch sử như: Phú Riềng đỏ, kho xăng dầu Lộc Hòa, Lộc Quang, nhà tù núi Bà Rá…Với hệ thống giao thông khá thuận lợi, Đồng Xoài là một điểm dừng chân lý tưởng trong tuyến du lịch vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
     3. Đồng Xoài có nguồn nhân lực rất dồi dào. Trong tổng số khoảng 82.000 ngàn người có khoảng 54,31% dân số trong độ tuổi lao động. Trong đó, số người lao động ở khu vực nông –lâm –thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 54,3%), tiếp đến là lao động ở khu vực dịch vụ chiếm 36,7%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 9%.
     Về chất lượng nguồn nhân lực: lực lượng lao động của thị xã chủ yếu là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo nhưng trong thời gian tới số lượng lao động có tay nghề cao, lao động có kỹ thuật sẽ có xu hướng tăng vì thị xã đang đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
     Nhân dân Đồng Xoài có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chịu khó khắc phục khó khăn gian khổ. Các dân tộc ở Đồng Xoài luôn đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, cùng nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đảng đề ra.
     Là thị xã miền trung du, nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam có điều kiện để tăng cường các quan hệ hợp tác đầu tư phát triển, nhưngĐồng Xoài do xuất phát điểm kinh tế -xã hội nhìn chung còn thấp nên có những thách thức mới trong khả năng cạnh tranh phát triển. Những thuận lợi, tiềm năng luôn đan xen với những khó khăn thách thức, đòi hỏi thị xã luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua để vận động và phát triển.
Người đăng: Hồ Thanh Hà
Xin mời xem tiếp phần sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét