11 tháng 2, 2015

Sự tích Táo Quân hay Sự tích Ông Công Ông Táo

SỰ TÍCH TÁO QUÂN
******************
     Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân là Vua bếp nhưng không phải là 1 vị thần mà là 3 vị thần (2 ông, 1 bà), đó là: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Ba vị được gọi chung bằng danh hiệu: Định Phúc Táo Quân và mỗi vị trông coi một công việc khác nhau. 
Táo Công 2 ông 1 bà
     Thổ Công: lo việc duy trì bếp lửa, bát cơm manh áo của chủ nhà, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

     Thổ Địa: coi sóc việc nhà cửa, đất đai, long mạch, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
     Thổ Kỳ (là phụ nữ): trông coi việc chợ búa, tiền bạc trong gia đình, danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần.

     Sự tích về Táo Quân có nhiều dị bản khác nhau nhưng câu chuyện đều xoay quanh cuộc tình duyên éo le giữa 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ.

     Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, có hai vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không có con nên thường cãi vã. Trong một lần giận dữ, Trọng Cao đã nhẫn tâm đánh vợ và đuổi Thị Nhi ra khỏi nhà. Người vợ quá tủi nhục, bỏ nhà ra đi và thề không bao giờ quay về nữa.

     Trải qua bao ngày lang thang, nàng gặp Phạm Lang cưu mang giúp đỡ. Cảm phục và yêu mến nên nàng đã bằng lòng làm vợ Phạm Lang, hai vợ chồng chung sống rất hạnh phúc.

     Trọng Cao rất buồn phiền và ân hận sau khi người vợ bỏ đi không về. Chàng khăn gói lên đường, đi khắp nơi dò hỏi tin tức về Thị Nhi. Khi tiền bạc đem theo đã hết, chàng lang thang đi ăn xin quyết tìm bằng được vợ. Một ngày kia, vô tình chàng vào đúng nhà của Thị Nhi xin ăn, hai người nhận ra nhau, hàn huyên tâm sự mọi chuyện.

     Khi hai người đang tâm sự thì Phạm Lang từ ngoài đồng trở về nhà lấy tro bếp bón ruộng. Thị Nhi trong lúc bối rối, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nên đã bảo chồng cũ tạm trốn trong đống rơm ngoài sân. Phạm Lang đốt cây rơm để lấy tro bón ruộng mà không hay biết có Trọng Cao trốn trong đó. Trọng Cao vì sợ Thị Nhi khó xử, ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân mới nên thà chịu chết trong đống rơm chứ nhất quyết không chui ra. Thị Nhi thấy Trọng Cao vì mình mà chấp nhận chết thiêu, nên lao vào đống rơm đang cháy để chết theo chồng cũ.

     Phạm Lang bỗng nhiên thấy vợ lao vào đống rơm đang cháy để tự vẫn thì cũng lao vào chết theo vợ. Sau khi ba người chết, Ngọc Hoàng xúc động trước ân tình và sự éo le của ba người, đồng thời xét thấy họ là những người nhân nghĩa nên đã đồng ý cho họ sống chung một nhà và sắc phong cho họ trở thành Táo Quân.

     Song, theo quan niệm từ xưa việc 1 bà 2 ông chưa bao giờ có ở Thượng giới nên Ngọc Hoàng chỉ cho phép họ trông coi đất đai, nhà cửa, bếp núc của hạ giới và chỉ ban áo mũ, không ban quần…”.

     Xuất phát từ câu chuyện này nên các bếp của người Việt từ xa xưa bao giờ cũng có “ba ông đầu rau”, kiềng ba chân. Ngày nay dù đã có nhiều loại bếp hiện đại, kiểu dáng đa dạng,  nhưng khi đi mua bếp, những người kỹ tính thường chọn loại có ba chân.


     Dân gian thường cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch vì theo tục lệ xưa, đây là ngày Ngọc Hoàng cho gọi các Định Phúc Táo Quân ở tất cả các gia đình hạ giới về trời để báo cáo công việc của gia chủ trong năm vừa qua. Đến đêm giao thừa, các Táo Quân lại trở về tiếp tục coi sóc công việc của mình trong năm mới.
Sưu tầm và đăng bài
                                                                                  Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét