25 tháng 3, 2015

Huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Thứ


MẸ NGUYỄN THỊ THỨ
HUYỀN THOẠI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
oooooooooooooooooooooo
     Mẹ - huyền thoại giữa thế gian. Không ở nơi đâu trên quả đất này có người mẹ hi sinh cho Tổ quốc nhiều người con, cháu đến thế! Không có nơi nào trong cõi nhân gian này có người mẹ được Tổ quốc dựng tượng đài từ khi Mẹ đang còn sống.

      Và cũng không ở đâu có người Mẹ đi qua những tang thương của chiến tranh rồi được quê hương, đất nước ôm ấp trong hoà bình như vậy. Mẹ đã sống đến tuổi xưa nay hiếm, hưởng thọ 107 tuổi.
      Và rồi… 10h sáng 14/12/2010 từ mọi miền khắp đất nước, hàng đoàn người nhẹ nhàng đến xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để tiễn Mẹ về với cõi vĩnh hằng, về gặp các con, cháu của Mẹ, gặp lại 6000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất Điện Bàn, gặp người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi “vang bóng một thời” cũng cùng ở thôn Thanh Quýt với các con của Mẹ…
      “Nước mắt Mẹ không còn, để khóc những đứa con…”
“Bên ngoài gió thổi Nam non
Con đà say giấc… mẹ còn hát ru…”

     Cô gái dệt lụa đẹp nhất xóm Rừng năm nào đã gửi gắm hết tâm tư tình cảm và niềm mong mỏi vào từng câu hát à ơi ru hời đưa con say giấc. 12 người con gồm 11 trai và 1 gái đầu lòng đã theo lời ru của mẹ lần lượt lớn lên, thấm đẫm từng câu ca trong nhọc nhằn mà yêu thương. Rồi đến lúc Tổ quốc gọi, Mẹ Thứ lần lượt tiễn các con đi…
     Trong cùng một năm 1948, Mẹ lần lượt nhận tin ba anh con trai đã hy sinh. Trong ký ức của bà Lê Thị Trị, người con gái đầu hiện nay còn sống với Mẹ vẫn nhớ như in: “Mỗi lần nghe tin một đứa con hy sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Có mấy bận giấy báo tử các anh tôi liên tiếp từ chiến trường báo về, Mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng”.

     Rồi Mẹ lại tiếp tục tiễn sáu người con lên đường đi chiến đấu. Đêm nào, Mẹ cũng thắp hương cầu khấn trời Phật phù hộ cho các anh, gửi gắm sáu đứa đang còn trong khói lửa. Mẹ xin các anh che chở, dẫn đường cho nhau, mau đánh thắng giặc mà trở về bên Mẹ.
     Mẹ thề dâng con mình cho nước, vì đời các con Mẹ đã đặt Tổ quốc trên đầu, bằng tấm lòng người Mẹ, “có con sa trường chỉ mong ước rằng, ngày sau nước còn công ấy nhờ con…”.
     Đau đớn sao, năm trong sáu người con của Mẹ lại tiếp tục nằm xuống. Mọi mong mỏi của mẹ chỉ còn dồn vào anh Lê Tự Chuyển - biệt động thành Sài Gòn. Nhưng sáng ngày 30/4/1975, anh cũng đã hy sinh trong phút giây đất nước toàn thắng…
      Đâu chỉ có thế, người con rể Ngô Tường và cháu gái Ngô Thị Cúc (chồng và con của bà Trị – con gái đầu của Mẹ Thứ) cũng đã hy sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, vai Mẹ nặng tang 11 đứa.
     Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh - Nhà báo Trần Hồng xúc động: “Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hiến dâng các con mình cho Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, đấy là trách nhiệm và một niềm vinh dự, nhưng với Mẹ Thứ nỗi đau thương lại quá mức tột cùng. Ai ai đến thăm, chăm sóc Mẹ lặng lẽ nhìn lên trang thờ thẳng hàng 9 bằng “Tổ quốc ghi công” đều xúc động, rơi nước mắt. Tôi đã về với Mẹ rất nhiều lần, đây là lần sau cùng tôi được nhìn thấy Mẹ. Mẹ bình an, thanh thản, đắp chăn như đang nằm ngủ, bên trên được phủ rất nhiều hoa tươi. Nhìn Mẹ qua nắp quan tài bằng thủy tinh trong suốt, Mẹ đẹp hiền từ, nhân hậu quá!”
     Vậy là người Mẹ gánh trọn nỗi đau mất người thân đằng đẵng hơn một thế kỷ đã ra đi trong niềm thương vô hạn của cả nước và bạn bè quốc tế. Mẹ đi trong tiếng nhạc quân hành, trong sự tiễn đưa của hàng ngàn, hàng triệu người con đất Việt.
     Đến giờ, Mẹ đã về với các anh… Đất đã ôm lấy người phụ nữ kiên trung - người Mẹ Việt Nam Anh hùng huyền thoại. Sẽ không còn cảnh người mẹ mù lòa nghe gió đùa phên cửa, ngỡ ngàng hoảng hốt giật mình tưởng các con về, rồi lại mò mẫm, sờ từng di ảnh, gọi tên từng đứa đã nằm lại ở những mảnh đất xa xôi của Tổ quốc thân yêu…
     Mẹ đã về trời để được gặp các anh ! Đất nước ViệtNam cùng tất cả chúng con nợ Mẹ, nợ các anh! Ngày nào dân chưa giàu, nước chưa mạnh, xã hội chưa dân chủ, công bằng, văn minh, toàn vẹn lãnh thổ chưa được đảm bảo, là khi ấy chúng con còn đang canh cánh trong lòng, còn nặng nợ - Nợ những bà Mẹ Anh hùng như Mẹ Nguyễn Thị Thứ và nợ hàng triệu người con ưu tú - những anh hùng bất tử đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã nằm lại với đại ngàn, đã hóa thân vào đất trời…

VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI MẸ NGUYỄN THỊ THỨ
ooooooooooooo
     Bà Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010) là người được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sinh tại thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm (từ năm 1948 đến ngày 30-4-1975). Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ. Bà mất vào lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 10-12-2010 tại Đà Nẵng.

TIỂU SỬ

     Theo tấm thẻ căn cước do Việt Nam Cộng hòa cấp số 02238802, năm sinh của mẹ Nguyễn Thị Thứ là 1902. Giấy chứng minh nhân dân số 200624222 do Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp lại ghi năm sinh của bà là 1904. Bà sinh tại xóm Rừng ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
     Vùng đất này có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, riêng xã Điện Thắng Trung đã có 14 người.
     Trong hai cuộc Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, Nguyễn Thị Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của các con. 
     Tại khu vườn của nhà bà có 5 hầm bí mật, nơi bà và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm bà thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con bà mở hé cửa hầm cho họ dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
     Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17-12-1994. Khi đến thăm bà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã cầm tay bà và nói: "Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam".
HIỆN VẬT VỀ BÀ
     Bức tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ do tác giả Nguyễn Long Biểu sáng tác bằng đá sa thạch hiện được trưng bày tại khu vực ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chiếc nồi đồng bà dùng nấu cơm, đun nước uống cho chồng và các con cùng bộ đội, du kích phe cộng sản chống lại Việt Nam Cộng hòa và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam được trưng bày trong chuyên đề Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của bảo tàng này.
     Ngày 27-07-2009, tại tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và khu tưởng niệm mang tầm vóc quốc gia lấy nguyên mẫu hình tượng của bà. Dựa theo thiết kế của hoạ sĩ Đinh Gia Thắng, tượng đài được xây dựng trên diện tích 15 ha trên đỉnh núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ. Tổng mức đầu tư cho tượng đài là hơn 411 tỉ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách và đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

THÔNG TIN THÊM
     Con gái cả của bà Nguyễn Thị Thứ là Lê Thị Trị (hiện tuổi đã ngoài 80) cũng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 30-4-2007, vì có chồng và 2 con gái là liệt sĩ:
     Chồng Lê Thị Trị là Ngô Tưởng, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp và bị bắt năm 1956. Sau nhiều ngày bị tra tấn nhưng ông vẫn không khai báo nên ông bị giam vào xà lim. Bị đánh đập đến kiệt sức, khi bị nhốt vào xà lim lại bị tra tấn bằng cách cho nước nhỏ miết lên đầu nên chỉ sau mấy tiếng đồng hồ ông đã chết cóng. Sáng hôm sau, quân Pháp bắt bạn tù đưa xác ông ra chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An).
     Cô con gái đầu của Lê Thị Trị là Ngô Thị Cúc bị đối phương bắt năm 1969 cùng bà Trị, cả hai bị tra tấn nhưng vẫn không khai. Sau ba năm giam cầm, tra khảo nhưng không khai thác được gì nên đối phương phải trả tự do cho cả hai người. Ra tù năm 1972, Cúc liền gia nhập lực lượng du kích xã và đến năm sau bà đã hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu.
     Người con út của Lê Thị Trị là Ngô Thị Điểu chưa tròn 16 tuổi đã trở thành giao liên. Tháng 8-1970, bà Điểu bị thương nặng và bị lính Mỹ bốc lên máy bay đưa thẳng ra tàu thủy đậu ở ngoài khơi biển Đông để tra hỏi, nhưng chưa tra hỏi được gì thì bà đã chết.
     Bà Nguyễn Thị Thứ đã qua đời hồi 1 giờ 40 phút ngày 10-12-2010, thượng thọ 106 tuổi, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn ở xã Điện Thắng Trung.
     Từ tháng 12-2011, tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn có con đường tên là Mẹ Thứ.
Sưu tầm và đăng bài
Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét