29 tháng 1, 2016

Năm Bính Thân nói chuyện Khỉ

NĂM BÍNH THÂN NÓI CHUYỆN KHỈ
oooooooooooooooooooooooooooo
     Bài pháp này, Thượng toạ Giáo sư tiến sĩ Thiện Minh thuyết giảng cho hơn 2000 Tăng Ni và Phật tử nhân khoá tu Phật thất tổ chức tại chùa Hoằng Pháp vào ngày 25 tháng 12 năm 2015. Tu nữ Quang Duyên ghi chép.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI BÍNH THÂN 2016
NAM MÔ THẾ TÔN ỨNG CÚNG CHÁNH BIẾN TRI
     Kính thưa Thượng toạ Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp;
     Kính thưa quý vị, Tăng Ni và  hơn 2000 phật tử có mặt hôm nay.
     Trước tiên, tôi xin kính gởi đến quý vị bốn pháp chúc mừng trong Phật giáo: sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh.
     Đây là lần thứ tư, chúng tôi về chùa Hoằng Pháp. Hai lần trước thuyết pháp cho các bạn thanh niên trẻ trong dịp khóa tu mùa hè, lần này là kỳ hai thuyết pháp cho khóa tu phật thất gồm những bậc cha mẹ, ông bà, những người đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.
     Năm nay Bính Thân, năm con Khỉ, nên chúng tôi xin giảng đề tài: nói chuyện Khỉ. Trong đề tài này, chúng tôi thuyết giảng cho Quý vị những vấn đề như sau:

KHỈ TRONG DÂN GIAN
     Trong văn hóa Việt Nam có hình tượng 12 con giáp. Con khỉ đứng ở cột số 9. Hình ảnh con khỉ tượng trưng cho sự thông minh nhưng tánh tình lanh lẹ quá đáng thành lanh chanh. Ở nhà, đứa trẻ nào lanh chanh thì ông bà mắng yêu là lanh như "con khỉ’’. Vô chùa tu đàng hoàng thì được, mà không tu đàng hoàng thì bị nói là: "Tu gì mà tu, tu …con khỉ khô!’’. Trong Ca dao:
Má ơi ! Đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má lo.
hay
Trời sinh con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông.
Khỉ bồng con lên non kiếm trái.
Cảm thương nàng phận gái mồ côi.

KHỈ TRONG TÂY DU KÝ
     Trong Văn học Trung Quốc có truyện “Tây Du Ký’’. Nhân vật Tề Thiên vóc dánh nhỏ nhưng lanh lợi, còn nhân vật Trư Bát giới thì "đẹp trai" nhưng mập và con mắt thích nhìn phụ nữ đẹp. Không ai yêu thích nhân vật lão Trư vì tính tình lão tham sắc quá!  Còn Tề thiên là nhân vật được nhiều người yêu mến vì lòng trung thành với Đường Tăng, luôn bảo vệ thầy của mình trong mọi hoàn cảnh hiểm nghèo trên con đường đi thỉnh kinh.
     Trong truyện Tây Du Ký, tác giả đã dụng ý xây dựng nhiều tình huống oái ăm, nếu Tề thiên “đi vắng’’ thì yêu quái liền xuất hiện uy hiếp Đường tăng. Đọc truyện Tây Du ký, ai cũng thích thú với câu chuyện đi thỉnh kinh của ba thầy trò Tam Tạng, không chỉ người lớn, trẻ con yêu thích mà người tu càng thích hơn.
     Có một tình tiết rất thú vị là khi Tề thiên bị Đường Tăng la mắng rồi đuổi đi, Tề thiên buồn lắm bèn trở về Hoa Quả Sơn. Đây là quê hương của Tề thiên, có dòng họ bà con của khỉ. Trở về Hoa Qủa Sơn, Tề Thiên vui lắm, có bầy đàn, con cháu ra đón mừng sự trở về của Khỉ Hầu Vương. Quý vị tu ở chùa, sau khóa tu, trở về nhà cũng như Tề Thiên trở về Hoa Quả Sơn vậy. Vì sao? Qúy vị vô đây tu tập một tuần, mọi sự ăn ngủ đều phải theo thời khóa của nhà chùa, đi đứng cũng giữ oai nghi, nói năng cũng nghiêm chỉnh chứ không được tự do như ở nhà. Qúy vị ở nhà “xưng hùng xưng bá’’, đi đứng có người nhìn, người nhà sợ mình như sợ cọp. Cho nên sau khóa tu về nhà, như người “đắc pháp’’, quý vị thấy mình bay bổng, tâm hồn hoan hỷ. Con cháu hỏi thăm, chồng vợ hỏi thăm, dâu rể hỏi thăm. Mẹ ơi! ba ơi! ông ơi! bà ơi! Sao đi tu về gương mặt đẹp vậy? Đẹp như tiên! Thật ra, tâm lý ai cũng vậy. Có người quan tâm, chăm sóc là thấy vui, thấy tươi lên thôi! Đi đâu về mệt mà con cháu rót ly nước mời uống thì thấy mát lòng, mát dạ ngay, giống như Khỉ Hầu Vương về Hoa Quả Sơn được chiêu đãi hằng hà trái cây thơm ngon. Cho nên chúng ta thấy khi nào có Khỉ Hầu Vương ở bên cạnh Đường Tăng thì yêu quái không xuất hiện, Đường Tăng bình yên, an ổn.
     Đây là ẩn dụ sâu xa bởi Đường tăng là người tu hành, giữ giới, đi thỉnh kinh về để làm phong phú cuộc sống tu hành tốt hơn. Nhưng Đường Tăng cũng chỉ là một con người, cũng có những khát vọng rất đời thường (ẩn dụ qua hình tượng Trư bát giới); cũng giỏi giang , siêng năng (qua hình tượng Sa Tăng); nhưng con người đó cũng có lúc tham dục, ngả nghiêng, mất chánh niệm (hình ảnh yêu quái); rồi có lúc chiến thắng tự ngã, trí tuệ sáng suốt, tu hành tinh tấn (hình ảnh Tề thiên). Có thể nói, hình tượng Tề thiên là thể hiện cái tâm của Đường tăng.
     Qúy vị ngồi đây nhưng phóng tâm đi chỗ này chỗ nọ, suy nghĩ này kia. Tâm phóng liên tục, biến dịch không ngừng nên chúng ta tham dự khóa tu là để có dịp huấn tập chánh niệm và tỉnh giác. Đây là lúc mình quan sát thấy tâm mình ích kỷ, tâm mình nhỏ mọn, tật đố, tham sân si rõ ràng hơn.  Khi ở nhà, mình bị cuốn theo công việc, ít khi bình thản nhìn thấy cái tâm của mình. Vô đây, học tu, ngồi im quan sát, bị đau nhức cái lưng, cái chân, trải nghiệm những cảm giác khó chịu để nhìn thấy rõ cái tâm mình. Tất cả do tâm tạo. Cho nên hình ảnh con khỉ là ám chỉ cái tâm lăng xăng, phóng túng, suy nghĩ liên miên của chúng ta. Như con cá lội trong nước không lúc nào ngừng bơi. Cứ xao động mãi. Cho nên người ta nói : “Tâm bình thế giới bình’’. Tâm không bình thế giới động. Tu là để làm chủ tâm mình. Thấy được tâm của mình. Làm chủ tâm mình. Nếu không làm chủ tâm mình, những người không biết tu rất khổ đau, rất phiền não.

     Ở bên Anh có một bà già khi về hưu vẫn không muốn nhìn nhận thực tại về hưu của mình. Lúc còn đi làm việc, bà có chức quyền. Cho nên, về hưu rồi mà mỗi buổi sáng bà vẫn sửa soạn áo quần chỉnh tề để chờ xe tới rước đi làm. Bà ngồi ở phòng khách rồi cằn nhằn sao không ai tới đón đi làm, sao không ai đưa giấy tờ đến ký tên, đóng dấu gì cả. Để bà vui, con cháu phải vờ đưa giấy này giấy kia cho bà ký chơi. Hôm nào quên không đưa giấy cho bà ký là bà la lối om sòm. Như vậy, phiền não đến là do tâm không vui, tâm không buông.

KHỈ TRONG TRIẾT LÝ BUÔNG XẢ
     Quý vị ở đây tu là thể hiện sự buông rồi, buông được mới ngồi đây được. Thời gian 7 ngày học tu nếu không buông được mọi sự trong tâm thì mỗi giây phút ngồi đây sẽ trôi qua rất chậm, rất nặng nề.
Mỗi ngày con học chữ buông. 
Buông thương, buông ghét, buông buồn, buông vui.
     Bản chất của đạo Phật là vui. Nên khi Tề thiên hầu Đường Tăng thì vui lắm, nhưng khi không cho hầu nữa thìTề thiên về ở Hoa Qủa Sơn cũng rất vui vẻ. Có gì đâu! Tề thiên đã hành cái sự buông rất dễ dàng. Buông thì nhẹ, không buông thì nặng, phiền não, khổ đau lắm. Chúng ta luôn tâm niệm rằng một ngày nào đó ta sẽ già, bệnh, chết. Qũy thời gian của ta không còn nhiều nữa. Như một người đi xa phải chuẩn bị hành lý. Hành lý của chúng ta đó chính là sự tu tập, phước báu niệm phật, công phu hành thiền mỗi ngày.

KHỈ TRONG TRUNG BỘ KINH
     - Hình ảnh con khỉ xuất hiện trong Trung Bộ Kinh, bài số 48. Bài này được hình thành trong bối cảnh các vị tỷ kheo bất hòa với nhau nên Đức Phật bỏ vô rừng tu một mình. Đó là khu rừng tên Parivayaka. Tôi đã đi Ấn Độ khoảng hơn 10 lần và đã tới cánh rừng Parivayaka, nơi Đức Phật đã từng có một mùa an cư ở đây khi mà các phàm tăng bất hòa với nhau, Phật khuyên dạy không nghe.
     - Khi Đức Phật an cư ở khu rừng này thì có con voi chúa và con khỉ chúa cũng do bất đồng với đồng loại của mình nên chúng đã tìm rừng vắng ở. Con voi chúa thấy Phật ở một mình bèn động lòng thương nên tình nguyện  phục vụ Phật. Nó thấy Đức Phật công phu ngồi thiền, nó đem hòn đá có lỗ tích chứa nước, để khi hành thiền xong Đức Phật ngài có nước mà dùng. Khi Phật đi bát khất thực, con voi làm thị giả thỉnh y bát để Đức Phật sẵn sàng đi khất thực. Mỗi lần Phật đi khất thực, voi tiếp y bát và tiễn Phật đi ra tận bìa rừng, làm bổn phận của một thị giả. Khi Phật đi về, voi tiếp y bát đặt để tại những nơi phù hợp và dùng vòi lau chân cho Phật. Con voi này làm đều đặn như vậy mà không hề nhàm chán.
     - Con khỉ chúa thấy ngày nào cũng có con voi đưa Đức Phật ra bìa rừng đi khất thực nên nó cũng phát tín tâm phục vụ Đức Phật. Con khỉ tìm mật ong và dâng lên Đức Phật nhưng vì trong mật ong có nhiều ấu trùng quá nên Đức Phật không dùng. Sau con khỉ biết nên nó bỏ bớt ấu trùng trong mật ong, do vậy Phật đã hoan hỷ dùng. Con khỉ còn tìm cách cúng dường chuối, nhiều loại trái cây khác dâng lên Đức Phật. Được cúng dường Đức Phật làm cho con khỉ vui sướng, nó nhảy múa, vui vẻ chuyền từ cành cây này qua cành cây khác với tâm hoan hỷ của kẻ làm nhiều phước thiện. Nhưng không may, nó nắm phải một cành cây mục ruỗng, nó té xuống đất và chết sanh làm chư thiên.
     Nội dung của bài kinh này, đức Phật cũng thuyết giảng về pháp lục hòa, nhằm mục đích giáo dục Chư tăng và Phật tử:
     - Thân hòa đồng trú: sống hòa thuận với nhau trong một môi trường, hoàn cảnh, không phân biệt, đối đãi với nhau như anh em một nhà.
     - Khẩu hòa vô tránh: tức là không lý sự, tranh cải với nhau, không hơn thua trong lời ăn tiếng nói, nhường nhịn nhau, nói lời từ ái với nhau.
     - Ý hòa đồng duyệt:  ý hòa hợp cùng với nhau. Không khởi tâm tham sân si, bất đồng nhau để trú xứ luôn bình yên.
     - Kiến hòa đồng giải: kiến là sự hiểu biết, nhận định. Cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm riêng về sự tu tập, kiến thức về Phật pháp. Suy nghĩ đồng thuận với nhau thì mới có sự đoàn kết.
     - Giới hòa đồng tu: Cùng giúp nhau giữ gìn giới luật, căn bản là 5 giới. Trong một khóa tu, nội quy đã quy định phải được tôn trọng thực hành thì người tu hoan hỷ, Ban tổ chức cũng hoan hỷ.
     - Lợi hòa đồng quân: Quan tâm, chia sẻ lợi lạc cho nhau, công bằng và thương yêu.
     Đức Phật dạy pháp Lục hòa trong bài kinh số 48 - Trung Bộ Kinh. Đây là pháp mà hễ ai áp dụng được trong thực tế cuộc sống, trong đoàn thể, trong gia đình và ngoài xã hội sẽ có rất nhiều lợi ích.Pháp lục hòa rất quan trọng. Có Nhà nghiên cứu nói, muốn làm việc đại sự thành công phải có 5 T: Tâm, Tầm , Tẩm , Tổ, Tiền.
     - Tâm: Phải có tâm, có sự tập trung;
     - Tầm: có cái nhìn sâu sắc, vì có lợi ích cho cộng đồng;
     - Tẩm : tẩm bổ, ăn ngon mới có sức khỏe;
     - Tổ: tổ chức, khâu này cực kỳ quan trọng quyết định hiệu quả công việc;
     - Tiền: điều kiện cần thiết để thực hiện các việc phước thiện.
     Ví dụ như tổ chức, quản lý một gia đình có 2 đứa con, 3 đứa cháu là thấy mệt rồi. Chùa ở đây có 100 vị tăng, khóa tu có hơn 2000 người, mỗi khi lễ hội lên tới 50.000 người. Như vậy, phải biết thầy trụ trì ở đây‘’to’’ như thế nào, tâm vị ấy quá lớn. Phải có Tâm từ bi vô lượng, vô biên mới tổ chức những khóa tu, những lễ hội như thế được. Nếu trụ trì không từ bi bác ái thì chúng tăng đi hết, “bệnh’’ hết. Một tổ chức mà người lãnh đạo quy tụ đông đảo Phật tử như thế này thì vị trụ trì đang ứng dụng pháp vô ngã trong đời sống, là bỏ đi cái tôi của mình, chỉ nghĩ đến cái đa số, đại chúng mà thôi. Con người thường nghĩ tới cái tôi, cái ta của mình nên khi người ta gặp mình xong là họ không dám gặp lần nữa, họ “bệnh’’ rồi. Giống như mình quản lý Từ đường của gia tộc mà hễ có dịp là con cháu về đông đủ, xong lễ vẫn còn quyến luyến không muốn rời xa, ngược lại con cháu thấy mình cứ “né’’ liên tục là mình phải coi lại mình đó.
     Cho nên tu khóa tu Phật thất là dịp để mình nhìn lại tâm mình. Bỏ bản ngã nhỏ xuống,  tâm sẽ lớn lên. Tu phải thể hiện tâm bồ tát chứ đừng thể hiện tâm “bồ nhí’’(ở đây nhí có nghĩa là nhỏ).  Mình thể hiện tâm “bồ nhí’’ là người ta “bệnh’’ luôn đó.

NHÂN VẬT CÓ TUỔI KHỈ NỔI TIẾNG
     Người tuổi Thân, có nhiều vị rất nổi tiếng. Trong trường phái Trúc lâm có vị tổ thứ 2 là sư Pháp Loa - người tuổi Thân, tuổi con khỉ, người rấtcó tài  thơ phú đã đưa văn chương của thiền phái Trúc Lâm lên hàng đầu trong nền văn học của nước ta thời bấy giờ.
     Chúng tôi vừa tham dự hội thảo: “Phật hoàng Trần Nhân Tông: Hội tụ và lan tỏa’’. Sự vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân tông là làm Thái Thượng Hoàng 15 năm, bỏ ngôi vua, xuất gia 15 năm. Ngài đã để lại tấm gương sáng trong lịch sử nước nhà và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trải qua 707 năm, tất cả những người dân Việt Nam, từ người bình dân cho đến hạng sĩ phu trí thức, người phàm phu hay bậc xuất gia đều yêu quý, tôn kính vị vua anh minh, vị sư xuất gia vĩ đại nên đã tôn vinh cho ngài là Xuất Trần Thượng Sĩ. Một ông vua bỏ ngai vàng đi tu là cực kỳ khó khăn. Khi vua xuất gia đi tu, nhiều cung phi mỹ nữ đã đi theo cầu xin vua trở về. Vua không về, họ gieo mình xuống suối tự tử. Nếu vua không có tâm cầu đạo giải thoát cách quyết liệt thì khó lòng trụ nổi trước cảnh níu kéo thương yêu này. Nhưng do tâm xuất gia của Ngài mạnh mẽ quá nên Ngài không bị áp lực trước tình cảm thê thiếp.Phật Hoàng là đại từ bỏ, còn quý vị ngồi ở đây là tiểu từ bỏ. Có gia đình giống như cột tay, có con như cột chân, có cháu như cột cổ. Qúy vị bị cột nhiều nhưng dám bỏ thì quý vị là Bồ tát. Không phải ai cũng bỏ được. Khó lắm! Nhiều người tâm sự đi tu Phật thất, ông chồng nói bà đi luôn đi nghen, đừng có dzìa nữa!  Nghe câu đó, có người đi tu không nổi nếu không có nghị lực. Đó là nghịch cảnh, là chướng duyên. Có nghịch cảnh, có chướng duyên, người tu mới trưởng thành. Sự thành công phải có chướng duyên mới có ý nghĩa. Cho nên khi nghịch cảnh, chướng duyên đến thử thách ta, phải biết cảm ơn nó, vì nhờ vậy ta tu giỏi hơn, ta trưởng thành và bơi giỏi hơn, vững vàng hơn.
     Có những người tuổi thân như vị quan yêu nước Nguyễn Trãi, như Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên làm quan triều Nguyễn, như Nguyễn Tri Phương đại thần triều Nguyễn,Phan Chu Trinh chí sĩ yêu nước chủ trương đường lối Duy Tân, quê ở Quảng Nam- Đà Nẵng. Sau này, có Khái Hưng là nhà văn nổi tiếng trong Tự Lực Văn Đoàn cũng tuổi thân. Ngoài ra, trong hàng cao tăng Việt Nam có rất nhiều vị tuổi Thân.

KHỈ TRONG ẨN DỤ CÂM ĐIẾC ĐUI
     Nhưng có khi ta thấy con khỉ trong những hình ảnh: câm, điếc, đui. Ba con khỉ này là hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ và  người tu cũng phải giả câm, giả ngu, giả điếc. Giả thôi chứ đừng làm thiệt. Muốn tu phải giả ngu, có mắt như mù, có tai như điếc đành câm lặng, chỉ giữ trong đầu một chữ tu. Đức Phật dạy người tu phải thu thúc lục căn, là pháp bảo hộ, là cách giữ giới hạnh chúng ta tốt hơn. Phiền não phát sanh do ta thấy nhiều qúa, nói nhiều quá, nghe nhiều quá. Hãy tập bớt thấy, bớt nghe, bớt nói. Con người thường thích nói nhiều lắm, “nổ đều’’. Hãy tập sống sao mà khi thấy ta không động, khi nghe ta không động. Càng ít biết chuyện càng bớt phiền não. Càng giao thiệp rộng càng nhiều thị phi. Phải biết thu thúc lục căn. Đa số phiền não sanh khởi do nhìn không thấu, nghĩ không thông, buông không đành, quên không được. Tu là tập buông, tập quên. Có những người làm mình trái ý nghịch lòng, mình đừng để tâm. Tu để tập thông cảm nhiều hơn, sống an vui hơn.
     Ở Nhật Bản có bà cụ thọ 125 tuổi. Hỏi bà bí quyết nào để sống thọ, bà nói có hai bí quyết: Một là cảm ơn và xin lỗi, hai là hài hước, dí dỏm . Ở phương Tây, cảm ơn và xin lỗi là văn hóa. Ở mình, người ta tiết kiệm hai chữ cảm ơn và xin lỗi! Qúy vị hãy nhớ tập cười, hãy luôn sống hoan hỷ. Những ai làm bà nội, bà ngoại mỗi ngày phải cười ít nhất 5 lần cho con cái ngày đó được an tâm vui vẻ. Sau khóa tu, quý vị về nhà, thấy con cháu từ xa nhớ phải cười cho con cháu mừng nghen!
“Người khôn nói ít nghe nhiều
Lựa lời đối đáp lựa điều hỏi han…’’
     Không nên nói nhiều về chuyện của người ta. Tu là giữ cái miệng của mình cho tốt. Nếu không giữ miệng sẽ gây rất nhiều khẩu nghiệp. Hình ảnh con khỉ lấy tay bịt miệng là nó giả câm. Biết mà không nói người ta mới sợ. Nói nhiều làm người khác‘’bệnh’’ luôn.  Phải tập im lặng. Phiền não sanh ra từ cái miệng. Nói nhiều họa nhiều, nói ít họa ít. Không nói không  họa. Tập bịt hai tai lại. Nghe nhiều tâm loạn. Sáng sớm thức dậy tâm hồn trong trẻo, an vui, gặp bà tám gọi điện ‘’tám’’đủ thứ chuyện là ngày hôm đó tẩu hỏa nhập ma luôn.
     Ông bà xưa nói lãng tai sống dai. Ở chùa Bửu Quang, có bà cụ xuất gia năm 1952. Tới năm nay cũng hơn 100 tuổi. Hỏi ăn cơm chưa? Bà nói: Hôm nay trời lạnh quá! Hỏi: Bà có khỏe không? Trả lời: Không có ai tới thăm tui hết! Cho nên suy nghĩ nhiều sẽ chết sớm. Nghe pháp nhiều sống thọ. Muốn nghe pháp hãy nên bịt tai lại rồi đóng cửa phòng nghe pháp. Con người thường thích “tám’’ chuyện này chuyện kia. Nếu mình nghe chuyện bất thiện nhiều quá, bảo đảm quý vị sống không lâu vì tăng xông, tiểu đường sẽ xuất hiện.
Kết Luận
     Năm thân 2016 là năm hội nhập và phát triển nhiều lãnh vực: kinh tế, chánh trị, xã hội và tôn giáo. Trong năm mới, người phật tử phải trang bị pháp im lặng và mĩm cười là hai vũ khí lợi hại. Mĩm cười là cách giải quyết nhiều vấn đề, im lặng là cách để tránh những vấn đề rắc rối xảy ra. Chúng ta đau khổ là do bởi tâm phiền não tham sân si, đối trị, đoạn trừ, giảm thiếu chúng là chúng ta có an lạc và hạnh phúc trong cuộc hiện tại. Chúng ta đừng quên câu này:
      Chẳng tham những cái danh lợi,
      Chẳng tham những của ở đời
      Chẳng tham những vật gây khổ
      Chẳng tham những điều mong muốn.
      Chẳng sân hận khi ai chê mình
      Chẳng sân hận khi ai mắng mình
      Chẳng sân hận gì cả.
      Chẳng si mê việc đã qua
      Chẳng si mê việc sẽ tới.
      Chẳng si mê những cái trước mặt.
      Không tham sân si, đó là tu đúng.
    Thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ với thời gian. Trước khi dứt lời, cầu nguyện Tam bảo, Chư thiên hộ pháp gia hộ cho quý vị tu hành tinh tấn, mọi việc hanh thông, gia đình hạnh phúc.


NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO

Sưu tầm và đăng bài
Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét