20 tháng 8, 2015

Cách Mạng Tháng Tám: nhạc sỹ Xuân Oanh và ca khúc 19 tháng 8

Kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám thành công (19/08/1945 - 19/08/2015)

CA KHÚC 19 THÁNG 8 
VÀ NHẠC SĨ XUÂN OANH
******************
I.LỜI BÀI HÁT 19 THÁNG 8

     Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung.
     Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn.
     Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề. Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam.
     Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung.

II.HOÀN CẢNH SÁNG TÁC
     Ca khúc, hành khúc 19 tháng 8 được cố nhạc sỹ Xuân Oanh lúc này là 1 thanh niên mới 22 tuổi sáng tác vào đúng ngày 19/08/1945 giữa không khí sục sôi, tinh thần quật khởi của những người dân đứng lên giành độc lập và sau này đã trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian.
     Ngày hôm đó, trong đoàn người khởi nghĩa hướng đi từ Văn Điển về Hà Nội. Từng đoàn đoàn, lớp lớp nhân dân từ năm cửa ô đồng loạt tiến vào Hà Nội. Dòng người cuồn cuộn, nô nức sát vai nhau đi trong không khí tưng bừng. Cảm nhận được sự thay đổi của vận mệnh đất nước, của mỗi người dân Việt Nam, đất nước đang tiến dần đến độc lập. Cảm xúc thăng hoa của ngày lịch sử này dâng trào đã khiến Xuân Oanh vừa đi vừa nhẩm giai điệu của một bản hành khúc mới như thể nhịp điệu, câu, lời của bài hát đã có sẵn cứ thế tuôn trào. Câu chuyện kỳ lạ này có gì đó giống như tác giả viết ra hành khúc Mac-xây-e trong cuộc Cách mạng 1879 ở Pháp. Lạ mà có thật! Xuân Oanh cứ thế vừa đi vừa nhẩm. Đến khi đoàn người tới Nhà hát Lớn thì bản hành khúc cũng vừa được viết xong trong óc.
     Ngay sau đấy, 19 tháng 8 đã được ký âm, được truyền tay qua các phố cổ Hà Nội và chỉ đến chiều 19/8/1945, 19 tháng 8 của Xuân Oanh cũng đã vang lên trên đường phố Hà Nội. Vậy là đã có một hành khúc vang vang âm hưởng cùng những bước chân của đoàn người khởi nghĩa ở Hà Nội ngày ấy. “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng tám – khối dân căm hờn kêu thét… Mười chín tháng tám – chớ quên là ngày khởi nghĩa…
     Trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, ca khúc này đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người chiến sĩ khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm, đến dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Cách mạng tháng tám thành công, ca khúc này lại vang lên trên khắp nẻo đường đất nước như thúc giục toàn dân phải quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp đúng theo sự kỳ vọng của ông cha.

III.NHẠC SỸ ĐỖ XUÂN OANH
     Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh ngày 4/1/1923 tại thị trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1942, ông bắt đầu con đường cách mạng cùng với nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được phân phụ trách công tác tuyên truyền.
     Xuân Oanh là một trong hai người Việt Nam đầu tiên thực hiện bản tin tiếng Anh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị và hòa bình…
     Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, Huân chương Độc lập hạng ba năm 1998.
     Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam dấu ấn sâu sắc bằng các tác phẩm: "Quê hương anh bộ đội","Ca mừng chế độ ta tươi đẹp, "Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”, "Ngôi sao thế kỷ”, "Hà Nội ở Lâm Đồng", “Gọi thu”, “Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt”, “Hãy kí tên” phỏng theo bài thơ “Trời sẽ trong xanh trở lại” của nhà thơ người Nhật Bản- Umeda Shyozi; hợp xướng “Quê hương”…
     Nhắc tới nhạc sỹ Xuân Oanh, không ai có thể quên được ca khúc “19 tháng Tám” bất tử của ông. Ca khúc ra đời vào đúng ngày 19/8/1945, giữa không khí sục sôi, tinh thần quật khởi của những người dân đứng lên giành độc lập và sau này đã trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian.
     Xuân Oanh không chỉ giỏi về thơ, ca, nhạc, họa, mà còn thông thạo 7 ngoại ngữ. Có thể kể đến các tác phẩm, mà ông là dịch giả như: “Trần trụi giữa bầy sói”, “Hai số phận”, “Nửa đêm về sáng”, “Một lần chưa đủ”, “Vườn Thượng Hải”, “Phía sau tình yêu”... Phần tiếng Anh của Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ biểu diễn ở Mỹ, cuốn “Ông cố vấn”, bản dịch tiếng Anh là của nhạc sỹ Xuân Oanh. Ông từng làm phiên dịch cho nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong những lần tiếp khách quốc tế.
     Ông qua đời ngày 27/3/2010 tại Hà Nội sau thời gian dài lâm trọng bệnh, thọ 87 tuổi. 
Thanh Hà sưu tầm và chỉnh sửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét