18 tháng 8, 2015

Cách Mạng Tháng Tám: chớp thời cơ tổng khởi nghĩa

Kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám thành công (19/08/1945 - 19/08/2015)
CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945
CHỚP THỜI CƠ TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
**************
     Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm Sai - giành chính quyền ngày 19/08/1945
     Đầu năm 1945, tình hình thế giới và Đông Dương đã có những điều kiện mới, nhân tố mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam phát triển thành cao trào rộng lớn. Chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn kết thúc, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô đánh tan, buộc phải ký đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh (ngày 9/5/1945). Ở Đông Dương, phát xít Nhật mặc dù đã liên tiếp thất bại ở nhiều nơi, nhưng biết được âm mưu của Pháp, đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương.
     Ngay trong đêm 9/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì, ra Bản chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 12/3/1945 Ban thường vụ Trung ương Đảng họp, đã chỉ ra những khủng hoảng sâu sắc về chính trị mà cuộc đảo chính này gây ra. Trung ương Đảng nhận định: Thời kỳ phát triển hòa bình cách mạng đã qua, nhưng toàn dân tổng khởi nghĩa chưa tới, thời cơ cục bộ xuất hiện, nhưng tình thế trực tiếp cách mạng trên phạm vi cả nước chưa chín muồi. 
     Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ đạo khởi nghĩa từng phần ở những địa phương có đủ điều kiện và giành thắng lợi ở một số địa phương, sau đó lan nhanh khắp các vùng nông thôn 6 tỉnh Việt Bắc và từ căn cứ địa Việt Bắc lan đến hàng loạt chiến khu ở nhiều vùng rừng núi và nông thôn thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ.
     Các hoạt động bức hàng đồn bót, xóa bỏ chính quyền địch ở thôn xã, lập các Ủy ban Việt Minh, tổ chức nhân dân phá kho thóc cứu đói... Nhiều đội tự vệ cứu quốc chặn đánh các cuộc càn quét của quân Nhật vào khu căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng, thu hẹp phạm vi kiểm soát của quân Nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước thắng lợi.
     Đảng ta đã thành công trong xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và chỉ đạo khởi nghĩa từng phần. Từ đó, chuẩn bị mọi mặt, khi có thời cơ, Đảng ta phát động tổng khởi nghĩa. Để khởi nghĩa thắng lợi, Đảng ta xây dựng, phát triển căn cứ địa và chiến khu cách mạng trên phạm vi cả nước, lấy đó làm chỗ đứng chân và bàn đạp cho lực lượng vũ trang hoạt động; chuẩn bị lực lượng, vũ khí trang bị, tạo thế và lực, phát động cao trào kháng Nhật, tập dượt cho quần chúng sẵn sàng bước vào hành động cách mạng của tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
     Khi thời cơ đến, ngày 13/8/1945, Đảng triệu tập hội nghị Trung ương ra Nghị quyết: “Phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, tất cả các địa phương trong cả nước đã đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
     Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khẳng định sự vận dụng tài tình nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng ta. Thời điểm này, phong trào cách mạng nước ta đã lên tới cao trào, quần chúng cách mạng, mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng hành động với một khí thế chưa từng có. Lực lượng cách mạng đã lôi kéo được các tầng lớp trung gian, trước đó còn lừng chừng ngả hẳn về phía cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương có kế hoạch, cử cán bộ chủ chốt về các địa phương lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần, ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nhờ vậy sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.
     Đảng ta đã sử dụng phương thức quân sự, chính trị phối hợp, đồng thời với đòn tiến công của LLVT cách mạng và sự nổi dậy của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, thị uy, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. LLVT làm hậu thuẫn cho lực lượng chính trị nổi dậy và giải quyết các tình thế đột xuất: Diệt ác ôn trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân.
     Việc chọn địa bàn tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị với tinh thần đồng loạt nổi dậy. Khi nhận được “Quân lệnh số 1”, cả nước đều nhất loạt khởi nghĩa, làm cho quân Nhật không kịp trở tay, không còn khả năng giải tỏa, ứng cứu chi viện cho nhau. Mục tiêu khởi nghĩa được chọn là các cơ quan đầu não, các công sở chính quyền địch, như ở Hà Nội là Tòa Khâm sai, Phủ Toàn quyền và các cơ quan đầu não ở các tỉnh, thành phố... Việc lựa chọn mục tiêu chính xác, góp phần thúc đẩy tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.
     Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá Đào Văn Đệ - Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét