19 tháng 8, 2015

Cách Mạng Tháng Tám: tầm vóc thời đại

Kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám thành công (19/08/1945 - 19/08/2015)
TẦM VÓC THỜI ĐẠI 
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
***************
     Cuộc cách mạng nhân dân năng động và sáng tạo của nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi vào tháng Tám năm 1945. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX.
     Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam đã đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp câu kết với chế độ phong kiến gần một trăm năm, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Nó chẳng những khẳng định giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, chiến đấu quả cảm đã "vung ra nghị lực phi thường" nhất tề đứng lên giành độc lập tự do mà còn khẳng định sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối chiến lược và sự thay đổi sách lược đúng đắn chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân, đưa Việt Nam gia nhập đại gia đình vô sản quốc tế sánh vai với các cường quốc văn minh trên thế giới.
     Trong bối cảnh lịch sử thế giới thế kỷ XX, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa thời đại to lớn.

1. Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trên toàn thế giới
     Đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn thứ hai trong lịch sử phát triển. Đó là sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc mà V.I.Lênin khẳng định đó là "Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản". Là người đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phi mác xít của "phái hữu" và "phái giữa" trong Quốc tế Hai sau khi Ăngghen mất năm 1895, Lênin đã đấu tranh để vạch rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Theo Người, nó không phải là "Khai hoá văn minh" cho các dân tộc thuộc địa lạc hậu như một số lãnh tụ của Quốc tế Hai từng cổ suý mà nó là xâm lược, nô dịch, ăn bám, thối nát và với sự chống đối từ mọi phía. Lênin khẳng định nó tự làm suy yếu, tự nó đưa nó đến chỗ diệt vong.
     Trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc trên tư bản. Vấn đề đấu tranh chống lại sự xâm lược và ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong đời sống chính trị quốc tế đầu thế kỷ XX. Vận dụng quan điểm "cách mạng không ngừng" của Mác - Ăngghen vào tình hình cụ thể. V.I.Lênin đã khẳng định vấn đề dân tộc - thuộc địa là vấn đề sinh tử và là trung tâm của thời đại mới. Chính Người đã chủ động chuẩn bị và lãnh đạo công nông binh Nga biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng. Làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười mở đầu kỷ nguyên mới, thời đại mới. Chính Người đã chuẩn bị và thành lập Quốc tế cộng sản (QTCS) - Tổ chức quốc tế của các Đảng Cộng sản có sự tham gia lần đầu tiên của các dân tộc thuộc địa. Người đã đề ra Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, coi vấn đề đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức là trọng tâm của đời sống cộng sản quốc tế, là điều kiện được ghi trong Điều lệ để kết nạp các Đảng Cộng sản vào QTCS.
     Giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân là nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản toàn thế giới lãnh đạo quần chúng nhân dân các thuộc địa. Giải phóng các dân tộc khỏi ách thống trị thực dân là nhiệm vụ trọng tâm của thời đại mới.
     Là người tiếp thu học thuyết Mác - Lênin, là người có thực tiễn hoạt động phong phú trong QTCS, từng khảo sát tại các nước tư bản đế quốc nhiều thuộc địa, lớn mạnh nhất đến các nước thuộc địa lạc hậu nhất, Hồ Chí Minh đã vận dụng lý luận và thực tiễn vào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
     Với những hoạt động không mệt mỏi trong 1/4 thế kỷ (từ năm 1920-1945) Hồ Chí Minh đã biến học thuyết Lênin trở thành hiện thực, điều mà trước đó Lênin vĩ đại đã bổ sung, sáng tạo biến học thuyết Mác - Ăngghen trở thành hiện thực thể hiện qua cách mạng Nga. Là người hiểu và trung thành trong đấu tranh bảo vệ và kiên trì tổ chức thực hiện tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, sau khi gia nhập gia đình cộng sản, Hồ Chí Minh đã thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản - bộ tham mưu của giai cấp và dân tộc lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Người trực tiếp đề ra chiến lược, sách lược và phương thức tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tổ chức, lãnh đạo chuẩn bị xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chớp thời cơ một cách mau lẹ chính xác làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
     Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản. Đây là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó, thành công của cách mạng là triệt để, là "đến nơi" như Hồ Chí Minh khẳng định. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới chứ không như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trước đây. Thắng lợi của cách mạng đã đập đổ ách thống trị thực dân hàng trăm năm, ách thống trị phong kiến hàng nghìn năm đưa dân tộc Việt Nam vào thời đại mới - thời đại đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, thời đại độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
     Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trở thành một hình mẫu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, chiến thắng các thế lực xâm lược có thể có nhiều con đường giành thắng lợi, song cách mạng giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản là cách mạng giải phóng triệt để nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững cho quá trình đi lên của mỗi quốc gia. Và do vậy thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự mở đầu của trào lưu phi thực dân hoá trên phạm vi quốc tế. Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và Cách mạng Tháng Tám mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trong trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc toàn thế giới.
     Sau Cách mạng Tháng Tám và tiếp tục con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc đánh thắng, tiêu diệt chủ nghĩa thực dân cũ, đánh bại một bước nặng nề chủ nghĩa thực dân mới đã làm cho Việt Nam và Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Cách mạng Tháng Tám với ý nghĩa đó trở thành cuộc cách mạng mở đầu cho trào lưu phi thực dân hoá và biến lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới thế kỷ XX giành được toàn thắng. Đến nay không còn có nước nào không giành được độc lập dân tộc với những mức độ khác nhau. Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân hoàn toàn bị tiêu diệt trong thế kỷ XX mà Cách mạng Tháng Tám là sự mở đầu trào lưu phi thực dân hoá, mở đầu thời đại Hồ Chí Minh.

2. Cách mạng Tháng Tám khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh trong dự báo cách mạng thuộc địa có khả năng thắng lợi trước cách mạng chính quốc, bổ sung và phát triển Học thuyết Mác - Lênin
     Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin tận gốc lại có thực tiễn khảo sát 28 nước ở 4 châu lục, điều mà các lãnh tụ kinh điển trước Người chưa có điều kiện, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đưa ra một dự báo mang tính lý luận từ rất sớm về khả năng thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc trước cách mạng chính quốc.
     Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ tự do cạnh tranh cũng như nghiên cứu chủ nghĩa tư bản thời kỳ chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, các nhà kinh điển chỉ đưa ra dự báo cách mạng các nước tư bản (chính quốc) giành thắng lợi trước mới tạo điều kiện, mới ảnh hưởng, mới giúp đỡ cho cách mạng giải phóng dân tộc. Những dự báo của Mác - Ăngghen về khả năng giành thắng lợi của cách mạng Aixơlen trước Anh mới là một dự báo chưa thành hiện thực. Thời đại Lênin tuy ông có dự báo cách mạng chính quốc phải thắng lợi trước mới giúp cho cách mạng thuộc địa dù Người đã dự báo cách mạng có thể giành thắng lợi ở một nước tư bản. Điều dự báo Lênin đã thực hiện thành công ở nước Nga thông qua Cách mạng Tháng Mười. Các lãnh tụ kinh điển chưa nói đến khả năng cách mạng thuộc địa có thể thắng lợi trước chính quốc.
     Đến lượt mình luôn trung thành với học thuyết Mác - Lênin, coi đó là "chân chính nhất, cách mạng nhất" song Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu sự vận động của thế giới trong thời đại mới. Nghiên cứu các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ đặc biệt là các thuộc địa của Pháp, tính chất đế quốc Pháp là chủ nghĩa đế quốc "cho vay nặng lãi" (khẳng định của Lênin) ngay từ những năm đầu mới tiếp thu Học thuyết Mác - Lênin Người đã đưa ra dự báo: cách mạng thuộc địa (thậm chí ở một nước riêng biệt) không những có khả năng thắng lợi trước cách mạng chính quốc, còn có thể giúp cho những người anh em phương Tây trong sự nghiệp giải phóng khỏi mọi ách áp bức dân tộc, áp bức giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Đây là một dự báo hết sức táo bạo, một sự khẳng định tưởng như không có cơ sở trong những năm 20 của thế kỷ XX.
     Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập đã tiến hành một "núi" các công việc khổng lồ để làm cho dự báo thành hiện thực. Đó là xây dựng được một đảng cách mạng tiên phong có lý luận soi đường được vũ trang bằng chủ nghĩa "Mã Khắc Tư và Lênin", có chiến lược và sách lược đúng đắn phù hợp tình hình đặc điểm của mỗi giai đoạn cụ thể, luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và thay đổi đối sách lược kịp thời. Chuẩn bị lực lượng mọi mặt, dự báo chính xác chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong cao trào kháng Nhật cứu nước, chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
     Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng minh dự báo của Nguyễn Ái Quốc về khả năng thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nổ ra và thắng lợi trước cách mạng Pháp. chính QTCS đã thấy trước vấn đề này. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của QTCS tháng 4 năm 1931, QTCS đã thấy về lĩnh vực dân tộc thuộc địa các đảng ở chính quốc phải "học tập các đồng chí Trung Quốc và Đông Dương". Trưởng thành qua tổng kết thực tiễn các cao trào 1930-1931, cao trào dân chủ 1936-1939 và cao trào kháng Nhật 1939-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến tư tưởng Hồ Chí Minh về thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc trước chính quốc thành hiện thực. Đây là sự phát triển sáng tạo và bổ sung quan trọng vào kho tàng lý luận Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa. Hồ Chí Minh không chỉ là trung thành vận dụng sáng tạo vào thực tiễn mà còn phát triển lý luận bổ sung cho chủ nghĩa Mác - Lênin lý luận vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nó đã làm cho Cách mạng Tháng Tám không chỉ của Việt Nam mà là những vấn đề lý luận và thực tiễn mang tầm vóc quốc tế, có ý nghĩa thời đại.

3. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa
     Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã bổ sung vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, khắc phục sai lầm tả khuynh của QTCS trong việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống phong kiến. Cách mạng Tháng Tám trong việc tập hợp lực lượng tham gia đã khẳng định đường lối sách lược trong tập hợp lực lượng đông đảo toàn dân tộc của Hồ Chí Minh là đúng đắn. Chỉ đến  khi Cách mạng Tháng Tám trở lại đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thì cách mạng mới thành công.
     Cách mạng Tháng Tám còn làm rõ và bổ sung lý luận Mác - Lênin về vấn đề bạo lực cách mạng và vấn đề khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Với việc xác định đúng đắn bạo lực cách mạng là sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp chính trị với vũ trang, kết hợp khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa, đưa khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng Tháng Tám lên tầm mẫu mực nghệ thuật trong đấu tranh giành chính quyền. Khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám trở thành một trong bốn điển hình trong đấu tranh giành chính quyền trong lịch sử thế giới thế kỷ XX.
     Cách mạng Tháng Tám bổ sung lý luận của Lênin về thời cơ và nâng lên thành nghệ thuật chớp thời cơ trong bối cảnh diễn biến của tình hình thế giới hết sức phức tạp. Toan tính của các nước lớn, sự đầu hàng đồng minh của phát xít Nhật, sự yếu thế của Pháp khi chiến tranh kết thúc nếu không có sáng tạo, quyết đoán và mau lẹ chớp thời cơ thì không thể giành thắng lợi. Đây là lý do cùng ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương nhưng chỉ có Việt Nam là giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào.
     Trên ý nghĩa đó thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ngoài ý nghĩa cụ thể với dân tộc Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám còn để lại nhiều ý nghĩa mang tầm vóc thời đại. Nó chẳng những bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin mà còn nêu một mẫu mực đấu tranh giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Chính vì vậy các dân tộc thuộc địa coi Việt Nam là chiến sỹ tiên phong, anh hùng giải phóng dân tộc.
     Thành quả của cuộc cách mạng mang lại vẫn đã và đang phát triển vững chắc 70 năm qua và sẽ tiếp tục phát triển trong thế kỷ XXI, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới./.
PGS.TS Trình Mưu - Báo Đảng CSVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét