26 tháng 3, 2013

Bài hát Đoàn Ca - “Thanh niên làm theo lời Bác” ra đời như thế nào?

BÀI HÁT ĐOÀN CA RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
****************************

    Thanh niên Việt Nam không mấy ai là không thuộc bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”: Đi lên thanh niên! Có ngại ngần chi. Đi lên thanh niên! Làm theo lời Bác. Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên…
Đâu cần thanh niên có
Đâu khó có thanh niên
     Kể từ năm 1953 bài hát ra đời đến xuân này đã hơn nửa thế kỷ. Mảnh đất Nà Tu thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nơi những thanh niên xung phong (TNXP) ngày nào đóng quân, nay có di tích lịch sử ghi nhận, sự kiện Bác Hồ đến thăm. Bên biểu tượng ngọn đuốc, tấm đá lớn gắn huy hiệu Đoàn và tấm biển ghi bốn câu thơ nổi tiếng của Bác.
     Người ta còn nhớ, tổ TNXP được Bác Hồ tới thăm hôm ấy là tổ 312. Đêm ấy tổ đốt lửa trại đón Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh. Quá bất ngờ, mọi người đã vô cùng sung sướng khi được đón Bác Hồ. “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. 
     Bên ánh lửa hồng bập bùng, Bác Hồ nói chuyện với TNXP. Cứ xong một câu Bác hỏi và thanh niên trả lời lại được Bác đúc kết thành một câu rồi bảo tất cả đồng thanh nhắc lại. Thế là bốn vấn đề được Bác đúc kết thành bốn câu trở thành một bài thơ dễ hiểu, mọi người thuộc ngay:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
     Hoàng Hòa từng là Bí thư tỉnh đoàn Hưng Yên rồi ở Trung ương Đoàn là Ủy viên Ban chấp hành khóa 2, khóa 3, giữ cương vị Thường vụ Trung ương Đoàn suốt từ năm 1967 đến 1981. 
Nhạc sỹ Hoàng Hòa
     Năm 1953, vào một sáng tháng 3 trong lần đi công tác tại khu du kích Đông Hồ (Hưng Yên) tình cờ anh được đọc báo Cứu quốc có in bài tường thuật Bác Hồ tới thăm một tổ TNXP tại Việt Bắc. Bốn câu thơ trong bài báo đã cuốn hút tâm hồn anh. Anh nảy ra một ý nghĩ phải làm thế nào để truyền bá được rộng rãi, nhanh chóng lời dạy của Bác cho thanh niên. Với cây đàn ghi ta, Hoàng Hòa bắt tay ngay vào phổ nhạc bốn câu thơ của Bác. Bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” được ra đời rất nhanh. Ngay hôm ấy, thanh niên địa phương đã được hát bài hát này. Và cũng rất nhanh bài hát được phổ biến rộng cả tỉnh rồi toàn quốc.
     Bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” được hát vang trên đường thành phố Hà Nội khi quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. “Thanh niên làm theo lời Bác” đã trở thành bài ca chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bài hát này luôn được truyền đi qua làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam và màn ảnh nhỏ.
     Vào một dịp Hoàng Hòa có mặt trong đoàn đại biểu thanh niên tiên tiến toàn quốc được lên gặp Bác Hồ, khi buổi gặp kết thúc, Bác bảo: “Cháu nào cầm đàn hát một bài trước khi Bác cháu ta chia tay”. Bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” đã vang lên. Bài hát kết thúc, Bác hỏi ai là tác giả. Hoàng Hòa đến bên Bác và được Bác thưởng một cái kẹo. Bác nói: “Bác thưởng cho cháu đã có công làm bài hát này”. Bác quay lại nhắc mọi người: “Các cháu hãy làm và vận động thanh niên làm như lời bài hát mà các cháu vừa hát”. 
     Hoàng Hòa xúc động cứ ngây ra nhìn Bác đến nỗi quên cả nói lời cảm ơn Bác. Sau này, mỗi lần kể lại kỷ niệm khó phai mờ này với bạn bè, Hoàng Hòa vẫn không khỏi xúc động thốt lên: “Vô giá! Thật vô giá! Chẳng phần thưởng nào hơn!”./. 
     Từ ngày ra đời đến nay đã đúng 63 năm, bài hát đã được in trên nhiều sách báo, phát nhiều trên sóng phát thanh, nhất là các sách báo về lịch sử Đoàn và được nhiều thế hệ thanh niên cả nước thuộc. Trong các kỳ Đại hội Đoàn ở Trung ương hoặc ở các tỉnh, thành phố cũng như các cấp cơ sở Đoàn, vào giờ phút trang trọng của buổi khai mạc đều vang lên lời hát hào hùng này như khẳng định sức mạnh của tuổi trẻ, của thanh niên và càng thúc giục thanh niên cùng hướng về phía trước để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn để không chỉ sánh vai mà còn từng bước vượt qua các cường quốc năm châu.
Theo doanthanhnien.com
                                                                          Người đăng bài
                                                                           Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét