9 tháng 1, 2013

Huấn luyện và khảo sát 13 tỉnh thành Đồng Bằng Sông Cửu Long


Phóng sự ngày 5: Tham quan CHÙA ĐẤT SÉT
SÓC TRĂNG - CHÙA DƠI - CHÙA ĐẤT SÉT - BẢO TÀNG KHMER SÓC TRĂNG - TRÀ VINH - BIỂN BA ĐỘNG - AO BÀ OM - CHÙA ÂNG - PHÀ CỔ CHIÊN - BẾN TRE
************************
     Sau khi tham quan chùa Dơi, chúng tôi tiếp tục lộ trình đến tham quan Bửu Sơn Tự hay còn gọi là Chùa Đất Sét.
Câu Lạc Bộ Hướng Dẫn Viên 3V tại Chùa Đất Sét

     Từ Sóc Trăng đi Đại Ngãi, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng hơn 02 cây số, nhìn bên tay phải, bạn sẽ thấy một ngôi chùa với hàng tựa đề “BỬU SƠN TỰ” nhưng dân cư quanh vùng quen gọi là chùa Đất sét. Chùa đã có từ lâu lắm, khoảng 200 năm, với bốn đời gia tộc họ Ngô phát tâm tu tại gia. Chùa được trùng tu vào năm 2006.
Cổng chính Bửu Sơn Tự
     Những lão niên và người am hiểu cho biết trước kia Bửu Sơn tự có diện tích nhỏ hẹp và trong sảnh điện thờ không có gì đáng nói. Tượng và đồ đạc của Bửu Sơn tự cũng tương tự như các chùa khác. Bửu Sơn Tự chỉ nổi tiếng vào những năm 60, 70 của thế kỳ XIX, dưới sự chăm sóc gầy dựng của ông Ngô Kim Tòng (Năm Tòng) sinh năm Kỷ Dậu 1909, ông là con thứ năm trong gia đình có mười anh, chị em. Bửu Sơn tự được gọi bằng tên mới chùa Đất sét. Ai đã đến thăm viếng rồi không khỏi trầm trồ khen ngợi vì chùa Đất sét chính là một công trình sáng tạo nghệ thuật điêu luyện của cả một đời người.
     Từ con đường chính tráng xi măng đi vào cửa hông, ta gặp một tượng voi trắng to, cao gần 2 m; chú voi đưa cái vòi lên cao như đón chào khách đến. Cửa hông đối diện là một con long mã được tạo dáng bởi óc tưởng tượng phong phú, kỳ diệu. Chiếc đầu rồng một sừng ngẩng cao với thân ngựa lực lưỡng cao trên 2m. Bờm và đuôi ngựa được thay bằng vẩy rồng và đuôi rồng. Chếch sâu phía trong 2 m, sát vách, hai bên là đôi thanh sư bạch hổ chồm về phía trước, ngoảnh đầu nhìn quí khách to như hổ thật, đang canh giữ hòn núi vàng, hòn núi bạc tượng trưng cho tài nguyên của đất nước. Đôi kim lân kế bên cũng đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái châu, chân gác lên quả cầu trông oai phong lẫm liệt.

Kỳ Lân bằng đất sét
Bạch Hổ bằng đất sét
     Bước về phía Đông, chánh điện ở đó. Theo phong tục của người Hoa, mặt sảnh tiền của chùa hướng về phía mặt trời mọc. Ta thấy trước ba bệ thờ lớn là ba bộ đỉnh, cao ngang đầu người, bảy bộ hương nghi ngút khói thơm, ba đôi đèn cầy (nến) trong đó có 2 cặp mà mỗi cây được đổ, đắp đến 200 kg sáp, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân đèn. Cặp còn lại mỗi cây 100 kg đã trên 40 năm qua được đốt lên thường xuyên trong những ngày cúng kiếng, lễ tết mà vẫn chưa cháy hết được 1/2 cây .
Cặp đèn cầy lớn bên bàn thờ Bác Hồ
Ngọn nến đã cháy liên tục hơn 40 năm
     Nội điện, phạm vi chùa không rộng, nhưng có sức chứa thật lớn, với trên 200 bức tượng phật; bồ tát lớn nhỏ, gần 50 muông thú các loại được chăm chút, sơn phết tỉ mỉ và được bày trí bởi bàn tay khéo léo, công sức sáng tạo. Thoạt nhìn, trong ánh sáng đèn màu huyền ảo ta cứ tưởng như tất cả được làm bằng chất liệu cứng như đá, xi măng, kim loại hay ít nhất là thạch cao, đất nung,… Nhưng hoàn toàn không phải thế, ở tòa tam bảo, phía bên trái từ ngoài vào đã có một ngàn tượng phật ngự trên một ngàn tai sen đều được đắp thành hình khối bát giác, đường kính 1,5 m. Xung quanh được đắp những chú rồng, lân, rùa, phượng hết sức tinh tế, sắc nét cho ta thấy bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của người nghệ sĩ tạo hình cần mẫn. Cạnh đấy là chiếc tháp Đa bửu mười ba tầng, cao 4 mét, không tính đế, trông thật uy nghi. Giữa điện thờ, trên cao treo long hoa đăng (đèn rồng) với 6 chú rồng uốn quanh (tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ) trên tòa sen tỏa cánh xuống điện thờ. Các cảnh tượng Phật, muông thú được bày trí theo cảnh tích xưa, phần lớn rút ra từ kinh sách nhà phật, trong đó ta chú ý một số bệ thờ khác đầy tính văn hóa - nhân văn như bệ thờ “trăm quan đàng cựu”, thờ những anh hùng của quê hương dân tộc với phong thái, sắc cảm rất Nam bộ.


Lục Long Đăng tinh xảo
     Toàn bộ những tượng, vật kể trên đều làm từ chất liệu đất sét và bột nhang đắp lên khung lưới làm sẵn, giữ cho khỏi nứt. Ngoài ra các lư hương, đỉnh thờ đều làm bằng đất sét bột nhang nhào nặn lên rồi sơn thiếp vàng, vậy mà ta có cảm giác chắc chắn, cứng hơn xi măng.
     Ngoài các vấn đề trên, bạn sẽ thấy những bức hoành phi treo khắp điện thờ do nghệ nhân Ngô Kim Tòng tự vẽ, thiết kế, nay được sơn phết lại trông như mới.
     Cả mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột, mỗi cây cột lại được bao bọc chung quanh bằng đất sét; được nặn đắp những hình tượng rồng uốn lượn và những hoa văn trang trí khác từ nền điện lên đến mái vòm, mặc dù đã trải qua ngót 80 năm mà vẫn sừng sững, vững vàng.
     Bửu Sơn tự - tức chùa Đất sét được như thế là nhờ công lao của ông Ngô Kim Tòng. Theo con cháu ông Tòng và các lão niên kể lại thì khi ông Tòng còn nhỏ đã theo ý nguyện của cha, ăn chay trường, giữ gìn chay tịnh và có thiên hướng say mê nặn tượng lấy nguyên mẫu từ những bức hoạ đơn sơ trên bàn thờ Phật của cha; những vật dụng hàng ngày, cây trái quanh nhà đã trở thành đề tài phong phú cho cậu thả sức nặn với chất liệu chủ yếu là đất sét quanh vùng. Khi 18 tuổi, cha ông Tòng là ông Ngô Kim Đính là phu lục lộ, do tuổi cao sức yếu phải nghỉ việc, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Ông Tòng thôi đi học và đi làm rẫy phụ giúp gia đình, đêm đêm ông Tòng chong đèn nghiên cứu kinh Phật và từng bước tu học. Do lao tâm, khổ lực, ăn uống thất thường cậu năm bị bệnh nặng, thuốc thang mãi không khỏi và chỉ dùng thuốc nam cầm hơi; nhưng rồi bệnh tật cũng thua cậu, dần dần sức khoẻ hồi phục cậu lại đam mê vào nặn tượng, cậu thay cha gìn giữ chăm sóc ngôi chùa từ những năm 1930 đến 1970. Với lòng say mê hiếm có, ông Tòng đã miệt mài vừa làm, vừa học mày mò tìm kiếm các công thức, phương pháp đắp cả một công trình đồ sộ và vô giá trên mà không màng danh lợi, có lẽ trong con người cậu năm đó là lòng say mê lao động nghệ thuật khôn cùng. Cậu Năm đi bộ xa ba, bốn cây số đào đất sét ở giữa cánh đồng về phơi khô, giã nhỏ cho mịn ra, rồi sàng hết tạp chất, cỏ rác trộn cùng bột làm nhang và ô dước. Tất cả trộn đều và nhào cho đến khi dẻo quánh lại, lúc đó mới làm tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt  nẻ. Ngoài ra cậu năm Tòng còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, cậu đã dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà sự tư duy tưởng tượng của cậu vô cùng phong phú trên hai trăm bức tượng lớn, nhỏ mà không trùng lắp, mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự tập trung cao độ, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ như con ong hút mật tạo hương sắc cho đời…
     Ông Ngô Kim Tòng không còn nữa (ông viên tịch vào ngày 18 tháng 7 năm Canh Tuất 1970), nhưng những tác phẩm nghệ thuật của cậu để lại cho đời còn quí hơn vàng, bạc và có lẽ chẳng có gì sánh được. Đúng như lời nhận xét của Nhà văn nữ Trần Ngọc Phượng: “Có thể nói Cậu Năm Ngô Kim Tòng là người sống vì đất. Suốt 42 năm miệt mài với từng gánh đất, nâng niu từng vốc đất, cậu đã tạo dáng cho đất, phả hồn thiêng vào đất, tạo nhịp đập trái tim cho đất để trăm năm sau đất cất tiếng nói thay người…”. Chùa Đất Sét nơi “tu tâm” lý tưởng của mọi quí khách, thoáng mát, yên tĩnh mà vẫn toát lên tinh thần nhân bản, ấm áp nghĩa tình như con người của quê hương Sóc Trăng,… Nếu bạn chưa một lần đến hãy nhanh chân.
Xin mời xem tiếp phần sau
                                                                      Người đăng bài
                                                                        Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét