16 tháng 1, 2014

Năm Giáp Ngọ - Nói chuyện Ngựa: Về Làng Gốm Bát Tràng mua...Ngựa

CẬN NĂM GIÁP NGỌ
LÀNG GỐM BÁT TRÀNG...RỘN RÀNG SẮC NGỰA
*************************
CHÚC MỪNG NĂM MỚI GIÁP NGỌ 2014
     Vào những ngày cuối năm Quý Tỵ, lượng khách đổ về làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) như đông hơn. Khách tham quan du lịch; khách mua sắm đồ gốm sứ về trưng Tết hào hứng ngắm nghía, ghi hình hay cẩn thận chọn lựa hàng trong những cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.

     Không khí tại chợ gốm Bát Tràng cũng nhộn nhịp không kém. Năm nay, ngoài những mặt hàng truyền thống như lục bình, chóe, tượng, tranh gốm sứ…nhiều hộ kinh doanh ở Bát Tràng còn đưa ra một mặt hàng mới - thể hiện sự bắt nhịp nhanh với nhu cầu của khách hàng khi Tết Giáp Ngọ sắp tới – đó là ngựa gốm, ngựa thạch cao.
     Trước gian hàng nhà ông Trần Mạnh Tuân, năm nay 69 tuổi, ở xóm 3, thôn Bát Tràng (xã Bát Tràng), có rất nhiều ngựa màu trắng phau được bày bán. Hỏi kỹ thì được biết, đó là những con ngựa được làm từ thạch cao.
Một con ngựa thạch cao như thế này có giá 10 nghìn đồng
     “Khách hàng mua loại ngựa này chủ yếu để tô màu. Sắp sang năm Giáp Ngọ nên mặt hàng này bán khá chạy”, ông Tuân chia sẻ.
     Giá mỗi “chú” ngựa thạch cao là 10 nghìn đồng. Ngoài ngựa thạch cao, cửa hàng của ông Tuân còn bán ngựa gốm; giá cả thì tùy theo kích cỡ. Chỉ vào những con ngựa gốm có chiều cao chừng 25cm, dài khoảng 40cm, ông Tuân cho biết giá mỗi con là 150 nghìn đồng.
Còn mỗi con ngựa gốm Bát Tràng này có giá 150 nghìn đồng
     Khu du lịch Lò bầu cổ Bát Tràng được biết đến là nơi có chiếc lò bầu cổ ước chừng 120 tuổi, hôm nay đón những vị khách ngoại quốc đến tham quan. Chị Lương Nguyệt Minh, chủ khu du lịch cho biết, ngoài phục vụ khách đến tham quan lò cổ, học làm gốm, tham quan làng cổ Bát Tràng và xưởng sản xuất, khu du lịch còn bán các sản phẩm gốm. Chị khẳng định, các mặt hàng được bày bán ở đây 100% là hàng gốm sứ Bát Tràng và được tuyển chọn kỹ về chất lượng.
     Bên chiếc giếng cổ, được xây bằng gạch Bát Tràng, 2 nữ nhân công của khu du lịch đang vệ sinh các sản phẩm trước khi bày bán. Sản phẩm mà các chị chị đang lau chùi là những con ngựa gốm.
Vệ sinh sản phẩm gốm Bát Tràng bên chiếc giếng cổ, cũng được xây từ gạch Bát Tràng
Ngựa gốm đang được nhiều khách hàng ưa chuộng


     Một nữ nhân công cho biết, giá mỗi con ngựa là 200 nghìn đồng. Người còn lại thì tiếp chuyện: “Thông thường khách mua ngựa theo cặp, một con màu trắng, một con màu đen”.
Loại ngựa gốm này thường được mua theo cặp, với giá 200 nghìn đồng/con
     Rời chợ gốm Bát Tràng, đi sâu vào những con ngõ hẹp, vẫn là những hình ảnh quen thuộc, gắn với ngôi làng nghề cổ này nhiều năm nay: Đó là những chiếc xe đạp với những chồng sọt tre cồng kềnh bên trên; và cả những chiếc xe đạp cũ kỹ như không thể cũ hơn, với những tảng đất gốm vàng nhạt, đặc quyện như kẹo kéo…
     Bên một bức tường trong một con ngõ với chiều ngang chỉ đủ 2 chiếc xe đạp tránh nhau, một người đàn ông đang vỗ những nắm than đen nhánh lên tường. Bát Tràng đã sử dụng khí gas để nung sản phẩm từ lâu lắm rồi, sao vẫn còn than đắp lên tường như vậy nhỉ? Trước thắc mắc của chúng tôi, người đàn ông cho biết, than vẫn được người dân Bát Tràng dùng để sấy khuôn làm gốm. Rồi anh cười hóm hỉnh: “Để có được những sản phẩm tinh tế, bao bí quyết đã được người dân Bát Tràng tích cóp hàng trăm năm nay, và sấy khuôn cũng là một trong những bí quyết gia truyền ấy”.
Theo QĐND online
Sưu tầm và đăng bài
Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét