9 tháng 2, 2013

Hình tượng đặc biệt của loài Rắn trong lịch sử dân tộc


HÌNH TƯỢNG ĐẶC BIỆT CỦA LOÀI RẮN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

***********************

     Trong lịch sử dân tộc, từng có nhiều vị vua, danh nhân lập nên công trạng hoặc tiêu tan sự nghiệp vì liên quan tới rắn. Có thể có nhiều câu chuyện không nằm trong chính sử, nhưng dân gian đã truyền miệng từ nhiều đời và thuộc nằm lòng.

Chúc mừng năm mới Quý Tỵ 2013

VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN

     Đau đớn nhất và khiến người ta kinh hãi nhất là truyện rắn báo thù trong vụ án Lệ Chi Viên mà Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc. Chuyện bắt đầu từ lần cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho dọn khu vườn hoang, đêm nằm mơ thấy một người đàn bà và bầy con mọn đến xin ông hãy tạm khoan phát quang bụi rậm thêm ít bữa để họ kịp dời đi. Sáng hôm sau, vì bận việc, ông chưa kịp dặn dò người nhà thì đám học trò đã đánh chết một bầy rắn con và làm bị thương rắn mẹ. Đêm đến, khi ông đang đọc sách, một con rắn bò trên xà nhà nhỏ máu xuống, thấm vào chữ “đại” (“đời”) qua ba trang sách.
     
     Sau đó, tương truyền, rắn đã hóa thành Nguyễn Thị Lộ, một cô bán chiếu gon giỏi tài đối đáp làm thơ cùng Nguyễn Trãi và được ông đưa về phủ làm thiếp. Sau, Nguyễn Thị Lộ đầu độc vua, bị dìm xuống sông và biến thành rắn lội xuống nước đi mất. 3 trang giấy bị thấm máu ứng với ba đời nhà Nguyễn Trãi bị chu di.

TRẬN CHIẾN Ở PHÒNG TUYẾN SÔNG NHƯ NGUYỆT
     Rắn là loài động vật đáng sợ, nhưng theo dân gian, không ít lần rắn đã giúp người Việt lập công đánh bại kẻ thù. Nhiều truyền thuyết về rắn thần đặc biệt gắn với triều Lý ở thế kỷ 11. Tương truyền, bài thơ thần Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt được ghi lại từ lời của hai vị thần Trương Hống và Trương Hát báo trong giấc mộng. Hai vị này được cho là hóa thân của rắn thần trong đầm lầy Dạ Trạch, từng biến thành người để phò giúp Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương. Sau này, khi Lý Phật Tử cướp ngôi, họ đã tự tử bằng lá ngón. Đền thờ của họ được lập ở ngã ba Xà, phía Nam sông Cầu.
     Vào thế kỷ thứ 11, Lý Thường Kiệt trong trận chiến ở phòng tuyến sông Như Nguyệt đã may mắn được hai vị thần Trương Hống, Trương Hát về hứa giúp mang thần binh đến quét sạch lũ giặc. Trong giấc mộng của Lý Thường Kiệt, hai thần ngâm bài thơ:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
     Tiếng ngâm vừa dứt, hai vị thần hoá thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu. 

     Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên chép lại bài thơ thần trong trí nhớ. Cùng với giọng đọc hào sảng vang ra từ đền thờ thần Trương Hống - Trương Hát, quân ta đã tràn lên như vũ bão tiêu diệt quân Tống và giành thắng lợi.

THẦN LINH LANG
     Ở Hà Nội, ngay tại Thủ Lệ, quận Ba Đình ngày nay có đền thờ thần Linh Lang và ở gần đó cũng có phố Linh Lang, nhưng ít ai biết, ông là ai. Theo những gì còn truyền lại, Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, sinh nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064) tại làng ở Trị Chợ Thủ Lệ (Quận Ba Đình ngày nay). Ông cũng có dòng dõi từ rắn và rồng.
     Tương truyền, một người đàn bà hiếm muộn ở huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây nằm mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang sinh được một gái đặt tên là Hạo. Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp lọt vào mắt xanh vua Lý Thánh Tông. Vào cung hầu vua được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. 
     Một hôm Hạo ra bờ hồ Tây tắm rửa, thì một con giao long lao tới quấn chặt, hương thơm sực nức, rồi có thai tới mười bốn tháng. Vào một hôm trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt, nàng Hạo sinh được một người con trai tướng mạo khôi ngô đặt tên là Hoàng Lang. Sau đó, giặc Trịnh Vĩnh xâm lược, Hoàng Lang vụt lớn xin đi đánh giặc và đại thắng. Đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá rắn bò về hồ Tây.

LÀNG RẮN LỆ MẬT
     Lệ Mật là một làng quê thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7 km về phía Đông Bắc. Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là “Trù Mật” có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù nên đổi tên như hiện nay. Cách đây hơn 900 năm, Lệ Mật đã nổi tiếng trong cả nước với nghề truyền thống nuôi rắn, bắt rắn. Làng rắn gắn liền với truyền thuyết chinh phục loài thủy quái mang hình tượng rắn khổng lồ của chàng trai họ Hoàng ở Lệ Mật vào đời vua Lý Thái Tông năm 1028- 1054.
     Tương truyền, vào đời Lý Thái Tông, có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên sông Thiên Đức và vào một hôm, công chúa bị đắm thuyền chết đuối không thấy xác. Vua trao giải cho ai tìm thấy nhưng không người nào tìm được. Có một chàng thành niên họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể công chúa lên bờ. 
     Để cảm ơn chàng trai dũng cảm, nhà vua đã đồng ý cho dân chúng Lệ Mật cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà sang khai khẩn đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu “Thập tam trại”. Sau khi khai lập được 13 trại, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ rất trù phú nên gọi làng là “Trù Mật”.
     Để tưởng nhớ đến chàng trai họ Hoàng - người đã khai đất lập làng, khi chàng mất, người dân đã lập đình thờ chàng ở rìa phía nam làng Lệ Mật, bên bờ nam sông Đuống, suy tôn chàng là Đức Thánh Hoàng. Hàng năm cứ đến ngày 23/03 âm lịch, người dân Lệ Mật lại tổ chức hội làng nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và suy tôn Thành Hoàng làng.
     Hội làng thường được tổ chức từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch và hội chính vào ngày 23 tháng 3. Khắp trong đình ngoài làng đều được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt dàn bày đủ loại, đèn nến sáng rực, khói hương nghi ngút. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi như múa rắn hết sức độc đáo. Con rắn được làm bằng nan tre lợp vải nhiều màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho loài thủy quái xưa kia đã từng bị chàng trai họ Hoàng hạ gục.

     Lễ hội còn náo nhiệt hơn nhờ sự góp phần của cuộc thi rắn. Hàng ngàn con rắn từ khắp nơi trên cả nước qua sự tuyển chọn kỹ lưỡng, “chàng - nàng” rắn nào cũng hi vọng mình sẽ đoạt vương miện của các tiêu chí rắn to, rắn đẹp hay rắn lạ...

                                                                            Theo Dân Trí
Sưu tầm và biên soạn
                                                                           Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét