9 tháng 2, 2013

Năm Tỵ nói chuyện Rắn và thơ

NĂM TỴ, NÓI CHUYỆN RẮN VÀ …THƠ

*************************
     Năm Thìn qua đi nhường chỗ cho cho năm Tỵ tới. Năm Tỵ - năm con Rắn. Theo Âm lịch, cách tính ngày tháng theo sự vận chuyển của mặt trăng thì Rắn là con giáp thứ 6 trong 12 con giáp trong một tiểu chu kỳ.
Chúc mừng năm mới Quý Tỵ 2013
     1.Nói đến rắn, ấn tượng trong trí não và tình cảm của con người thì đó là loài bò sát, ăn bẩn, độc hại. Nhưng rắn lại đi vào kho tàng của Tục ngữ Việt Nam lí thú và sinh động như trong một bài viết công phu cách đây cũng vừa tròn một giáp (1) “Nói về đặc điểm của loài rắn và cũng ám chỉ tính cách, hành động của con người có những câu: "Thẳng như rắn bò", "Thao láo như mắt rắn ráo", "Oai oái như rắn bắt nhái", "Bạnh cổ như cổ hổ mang", "Len lét như rắn mùng năm"... hoặc nói kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật "vẽ rắn thêm chân"... hoặc lấy hình ảnh con rắn để nói đến tâm địa con người: "hang hùm miệng rắn", "miệng hùm nọc rắn", "ấp rắn trong lòng", "khẩu Phật tâm xà", "khẩu xà tâm Phật", "rắn đổ nọc chỗ lươn"... Đối với những kẻ "khôn nhà dại chợ", phản bội gia đình, tổ quốc đã có hành vi "cõng rắn cắn gà nhà"...
Rắn độc tượng trưng cho hình ảnh của kẻ xấu
     Cũng từ sự lí thú đó, giở lại Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã từng được đánh giá kỳ tài trong sử dụng ngôn ngữ thơ vừa bác học vừa dân gian ta lại bắt gặp những câu Kiều dựng chân dung Hoạn Thư mang hơi thở…rắn: “ Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”. Nhân vật đã “đi vào” đời sống với tính cách, thủ đoạn đánh ghen có một không hai khi Thúc Sinh hồi gia dự định “trình báo” với phu nhân việc đã lấy lẽ Thúy Kiều thì mụ vờ như không biết, không hỏi đến mà trong lòng đã sắp đặt hết mọi việc “kinh thiên động địa” như chúng ta đã từng đọc Truyện Kiều. Dã tâm đó còn cách gọi tên nào chính xác hơn, “ấp rắn trong lòng”, “khẩu phật tâm xà”!
     Trong thơ dân gian,(2) các hiệp sĩ rượu (theo xưng danh ngày nay) vẫn xem rắn là mồi nhậu đặc sản dân dã đầy khoái khẩu:

Cần chi cá lóc, cá trê

Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều

     Còn trong mảng đề tài tình yêu nam nữ ngọt ngào với những câu hò đối đáp kiểu dạng “mận – đào”, “lê – lựu”, ví von ẩn dụ của “bắc cầu dãi yếm”, “rơi khăn, mất áo”…từng là suối nguồn cho nhiều thế hệ thi nhân Việt, vậy mà rắn cũng chen mình góp mặt. Những chàng trai, cô gái đi tìm bạn kết mối trăm năm cất lời giao duyên trong dịp hội hè đông vui, lao nhọc đồng áng với lời dẫn lai láng tình xuân: Con rắn hổ mang nằm cây thục địa/ Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên/ Phận em là gái thuyền quyên? Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê”. Câu đố và lời đáp nhịp nhàng, dập dềnh như lúa đồng dậy thì lả lơi trong gió:

- Con gì có cánh không bay?

Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?

- Con gà có cánh không bay

Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng

- Con gì không chân đi năm rừng, bảy rú?

Con gì không vú nuôi chín, mười con?

- Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Con gà không vú nuôi chín, mười con

     Chẳng có gì lắt léo làm khó, đau đầu như kiểu cấu đố “không thế này mà là vật kia, cái nọ” (Dầu gì dầu không thắp/ Bắp gì bắp không rang…) vói chàng trai. Cô gái còn tình tứ, ngọt ngào thúc giục:

Anh vẽ rồng rắn làm chi?

Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!

Nói đi, nói đại, sợ gì?

Em đây hiểu được, tình này em trao!

     Rắn đáng sợ, gây hại, gây chết cho người nhưng trong môi trường giao duyên, rắn xe duyên kết tóc lứa đôi!
Rắn cũng là biểu tượng xe duyên kết tóc
     2. Trong lịch sử của dân tộc Việt (3) , án oan mà đại công thần Nguyễn Trãi ( 1380 – 1442) dưới triều Lê Thái Tông vướng phải dẫn đến thảm kịch bị giết và cả ba họ bị tru di mãi đến 22 năm sau mới được vua Lê Thánh Tông giải oan cũng gắn kết với rắn qua truyền thuyết rắn báo oán. 
     Để trả thù cho đàn con bị lính hầu của Nguyễn Trãi giết hại khi ông lập vườn ở ẩn, Rắn mẹ hiện thân nơi Thị Lộ thả thuyền bán chiếu gon ở Tây Hồ. Ngoài dung nhan dễ xiêu lòng người, nàng còn có tài văn chương, thi phú. Trong một dịp tình cờ tình cờ, trai anh hùng – gái thuyền quyên tương phùng, Thị Lộ trở thành tì thiếp của Nguyễn Trãi. 
     Với tài năng, nhan sắc ấy nàng còn được vua Lê Thái Tông sủng ái. Kết cuộc nhà vua băng hà trong đêm Thị Lộ hầu hạ trong lúc về thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn vào năm Nhâm Tuất 1442. Thị Lộ bị xử tội chết ngay sau đó. Đồng thời bọn gian thần từ lâu đố kỵ có cơ hội vu tội Nguyễn Trãi chủ mưu sát đế! Giọt máu đào thấm ba trang sách năm xưa mà rắn mẹ sẽ báo thù từ mái nhà nhỏ xuống như điềm báo trước chỉ ba họ của Nguyễn Trãi bị chết thảm. Tố Hữu đã có những câu thơ đầy niềm cảm khái từ sự kiện lịch sử này:

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng

(Bài ca mùa xuân 1961)

     Cũng từ truyền thuyết rắn báo oán, Nguyễn Trãi lúc ấy đã qua ngũ thập (?), Thị Lộ mới vào độ trăng tròn, cặp tài tử - giai nhân hiếm thấy trong lịch văn học Việt Nam đã để lại đời sau khúc xướng họa độc đáo:

Ả ở nơi đâu, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu đã hết hay còn?

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa? Được mấy con?

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,

Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

     Vẫn chuyện về rắn, trong Văn học sử nước nhà (4) vẫn còn truyền một bài thơ độc đáo, câu nào cũng đều có tên một loài rắn. Tác giả chính là Bãng Nhỡn Lê Quý Đôn (1726-1784) tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ra trong niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726), đời vua Lê Dụ Tông, thời chúa Trịnh Cương ở xã Diên Hà, tỉnh Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng và có trí nhớ tuyệt vời nhưng cũng lười học, rắn đầu hay nghịch phá như bao cậu bé khác. Người cha nghiêm khắc trách phạt. Ông chuộc lỗi bằng một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo điều kiện ngặt nghèo: rắn có trong từng câu thơ. Bài thơ có tên “Rắn đầu” như sau:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà

Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

Nay thét mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,

Lằn lưng cam chịu vết roi tra.

Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học .

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

     Nhưng không chỉ một mà đến hai bài thơ. Vì bài thơ này nếu bớt đi hai chữ ở đầu mỗi câu, ta sẽ được thêm một bài Ngũ ngôn bát cú:

Liu điu vẫn giống nhà

Biếng học, chẳng ai tha

Hổ lửa đau lòng mẹ,

Mai gầm rát cổ cha.

Chỉ quen tuồng nói dối,

Cam chịu vết roi tra.

Trâu Lỗ chăm nghề học.

Mang danh tiếng thế gia.

     Quả là không hổ danh thần đồng Lê Quý Đôn!

     3. Chuyện về rắn và…thơ ca, lịch sử nếu bỏ công lượm lặt, sưu tầm (*) để thưởng thức mấy ngày xuân TỴ cũng còn khối chuyện. Như “ông hoàng của thơ tình” Việt Nam – Xuân Diệu đã từng gây ấn tượng với “đôi cánh tay rắn” tham lam vồ vập MÙA XUÂN, TÌNH YÊU.

...Ta muốn ôm,

Cả sự sống mới bắt đầu mơm mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…

Và:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Vội Vàng)


(*) Các bài tham khảo:
 - (1), (2) Rắn trong văn hóa dân gian – Rắn trong tục ngữ - Trần Trọng Trí.
- (3), (4) Năm Tỵ nói chuyện Rắn – Hương Giang Thái Văn Kiểm.
Theo Nguyễn Nguyên Phương
Người đăng bài
                                                                                Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét