2 tháng 9, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo:
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - BÌNH PHƯỚC - ĐĂK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - ĐĂK LĂK - BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
************************
     Tạm biệt Nhà hàng Cơm Sườn lớn nhất thị xã Đồng Xoài, chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Nạp năng lượng xong và làm vài hớp cà phê do lực lượng hậu cần pha sẵn đã làm cho anh em vô cùng tỉnh tảo và sảng khoái. Những câu chuyện vui lại tiếp tục tuôn ra. Tôi và bạn Thắng lùn lại tiếp tục công việc ghi chép và đọc thông tin để cho các bạn phía sau ghi theo. Và rồi...quốc lộ 14 xuất hiện...những pha nhảy cóc bắt đầu
GIỚI THIỆU VỀ QUỐC LỘ 14
     Từ ngã 4 Đồng Xoài, chúng tôi bắt đầu rẽ phải để vào Quốc lộ 14 ở km 963 để đi tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk. Và cũng bắt đầu từ đây đến địa phận tỉnh Đăk Nông, chúng tôi di chuyển với tốc độ…nhanh như rùa. Từ km 963 (ngã 4 Đồng Xoài) đến km 920 (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) chỉ 43 km mà phải đi mất 80 phút. Bác tài xế đánh tay lái liên tục từ lề đường bên này sang lề đường bên kia để tránh ổ gà, ổ voi. Hên là xe 16 chỗ còn đỡ mệt, chứ gặp xe 45 chỗ thì mệt mỏi rồi.

I.THÔNG TIN TUYẾN ĐƯỜNG:
     Quốc lộ 14 là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh cao nguyên Nam Trung Bộ và các tỉnh Đông Nam Bộ. Nếu tính về chiều dài khoảng 890 km thì đây là quốc lộ dài thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau quốc lộ 1A.
     Quốc lộ 14 chạy qua địa phận các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk NôngBình Phước.
  • Điểm đầu: Cầu Đa Krong, huyện Đa Krong, Quảng Trị.
  • Lý trình: TT.A Lưới (H.A Lưới, Thừa Thiên Huế) - TT.Prao (H.Đông Giang, Quảng Nam) - TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn, Quảng Nam) - TT.Pleikan (H.Ngọc Hồi, Kon Tum - Thị xã Kon Tum), Kon Tum - Thành phố Pleiku, Gia Lai - Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk - Thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông - Thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.
  • Điểm cuối: TT.Chơn Thành (H.Chơn Thành, Bình Phước).
     Đoạn từ cầu Đa Krong tới thị xã Kon Tum là đường bê tông nhựa, từ thị xã Kon Tum tới thị trấn Chơn Thành là đường nhựa.
     Tầm quan trọng: Với khoảng 800.000 tấn cà phê, 500.000 tấn đậu bắp các loại, 500.000 tấn cao su, hàng vạn tấn hạt điều, bông, mía đường, sắn, tiêu,… gần như là tất cả nông sản xuất khẩu chủ lực hằng năm từ các tỉnh Tây Nguyên đều phải đi qua con đường này. Đoạn QL14 từ Bình Phước đến Đăk Lăk theo thống kê của ngành GTVT có khoảng 5.000 – 7.000 xe/ ngày đêm lưu thông.

II.QUỐC LỘ 14 - CON ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH NHƯNG LẮM CHÔNG GAI
     Chỉ cần lên Google đánh vào dòng chữ: quốc lộ 14 bị hư hỏng nặng, hàng trăm ngàn kết quả xuất hiện ngay chứng tỏ sự xuống cấp nặng nề của con đường huyết mạch này.
     Từ năm 2010 đến nay, để phản ảnh tình trạng xuống cấp và thi công chậm như rùa trên QL14 này, rất nhiều cơ quan báo chí đã phản ảnh như: 
     - Nhiều điểm đen trên quốc lộ 14 (Báo SGGP ngày 06/08/2012)
     - Đoạn đường khổ ải (Báo Tuổi Trẻ ngày 13/10/2011)
     - Họa chết người trên QL14 (Báo Thanh Niên 19/05/2012)
     - Quốc lộ 14 bị phá nát (Báo CAND ngày 17/08/2012)
     - Quốc lộ 14 đắp chiếu do cơ chế (Báo Hải Quan 17/08/2012)
     Và còn nhiều bài nữa của các báo không thể nêu hết...
     Chính sự xuống cấp nghiêm trọng và thi công ỳ ạch như trên đã làm cho tuyên đường càng ngày càng thảm hại. Lúc nắng thì bụi mù mịt, lúc mưa thì nước đọng thành hố lớn vô tình trở thành những cái bẫy đối với người đi đường. Cuộc sống của người dân 2 bên đường bị đảo lộn. Sinh hoạt trong nhà đã khó, buôn bán kiếm sống lại càng khó hơn vì chẳng ai dại gì mà ghé vào 1 quán nước bụi bặm như thế để nghỉ ngơi…Các doanh nghiệp vận tải thì than trời than đất vì xe thường xuyên bị hư hỏng, thời gian vận chuyển khách và hàng hóa kéo dài làm tăng thêm nhiều chi phí.
     Trên QL14 đoạn qua tỉnh Bình Phước từ ngã tư Chơn Thành đến huyện Bù Đăng, rất nhiều đoạn đường xấu thê thảm. Nguyên nhân là do tuyến đường này đã xuống cấp, nay lại ảnh hưởng từ việc thi công dềnh dang. Hệ quả là mặt đường bị đào bới hoặc dày đặc “ổ gà”, “ổ voi”, nước đọng. Điển hình như tại khu vực gần cầu Nha Bích, huyện Chơn Thành, có tới vài trăm mét đường, lớp nhựa bị bong tróc gần hết; tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, nhiều km đường do Công ty CP Đức Thành đem máy móc đào bới nền, chưa hoàn tất phần san ủi đã bỏ dở; đoạn từ khu vực xã Minh Hưng đến Thị trấn Đức Phong (thuộc dự án Cây Chanh) do Công ty Đức Phú làm chủ đầu tư đã rải đá, thảm bê tông nhựa nhưng bị hư hỏng rất nặng. Trong khi đó, gần 2 năm qua, trạm thu phí Đồng Xoài - Cây Chanh mỗi tháng vẫn đều đặn tận thu khoảng 3 tỷ đồng.
     Còn từ Thị trấn Chơn Thành đi TX. Đồng Xoài (dài hơn 20km), rất nhiều đoạn bị các nhà thầu móc đất dọc hai bên đường để làm nền, mở rộng làn, tạo thành những con mương lớn mà không biết khi nào được lấp. Mặc dù địa hình cao nhưng rất nhiều đoạn đường chỉ cần một cơn mưa là tựa như mương nước đục ngầu, chẳng biết đâu là đường, đâu là hào, hố như tại các khu vực ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, hay cầu Bù Na, Bà Tám, huyện Đồng Phú... Tình trạng trên tồn tại nhiều năm nay và nhiều vụ sa hố, “tắm ao” đã xảy ra.
     Sở GTVT Bình Phước đã nhiều lần làm văn bản gửi các Công ty CP Đức Thành - Gia Lai, Công ty CP Đức Phú và Công ty BOT QL14 Đồng Xoài - Chơn Thành về việc đảm bảo ATGT đối với các công trình vừa thi công vừa khai thác trên tuyến quốc lộ này. Thậm chí, trong Công văn số 88/CV-SGTVT  ngày 28/2/2012 của Sở GTVT Bình Phước đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương thực hiện các nội dung cụ thể như: khắc phục các “ổ gà”, đảm bảo giao thông tại các đoạn mặt đường xuống cấp nghiêm trọng (đầu cầu Lò Gạch, cầu Bù Na 1, 2, cầu Pantoong, cầu 38, đoạn Km 877+250 - Km 888, Km 890, Km 893, Km 901 - Km 902, Km 904-Km 907, Km 921 - Km 922, Km 927 - Km 928...); một số đoạn phần mở rộng chưa được vuốt nối giữa mặt đường hiện hữu và phần nền hạ, chưa bổ sung biển báo...
     Mặc dù vậy, tình trạng trên vẫn không được khắc phục, và theo báo cáo của Sở GTVT Bình Phước, cho đến thời điểm này, đoạn từ Cây Chanh đến cầu 38 (dài 33,82km) do Công ty CP Đức Phú làm chủ đầu tư (đã dừng thi công từ đầu quý IV/2011): phần ủi quang, đào đắp nền đường mới được 66% khối lượng; đắp móng sỏi đổ nền đường đạt 50%; móng cấp phối đá dăm loại 2 đạt 30%; cấp phối đá dăm loại 1 đạt 20%. Đoạn từ cầu 38 đến Tx. Đồng Xoài (dài 41,3km) do Công ty CP Đức Thành - Gia Lai làm chủ đầu tư: phần ủi quang, đào đắp nền đường đạt 70% khối lượng; đắp móng sỏi đỏ đạt 60%; cấp phối đá dăm loại 2 là 60%; loại 1 đạt 20%; thảm bê tông nhựa đạt 15%. Đoạn từ Chơn Thành đi Tx. Đồng Xoài vẫn “dậm chân tại chỗ” bởi trước đó, vài chủ thầu đã “bỏ của chạy lấy người”...

III.NGUYÊN NHÂN THI CÔNG CHẬM 
     Theo các doanh nghiệp đang thi công trên đoạn đường này cho biết là họ đang đình công không thi công tiếp tục là do chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai trong quá trình nghiệm thu 1 số công trình đã tính giá trị thi công thấp hơn so với số vật tư thực tế mà họ đã bỏ ra.
     Theo ông Hồ Văn Hữu - Giám đốc Sở GTVT Bình Phước, tình trạng này là do các chủ đầu tư khó khăn về tài chính. Cùng đó, các đơn vị tính toán, tiền thu phí không theo kịp lãi ngân hàng nên họ đầu tư cầm chừng để chờ lãi suất hạ, chờ sửa đổi quy định về thu phí đường bộ...

IV.BIỆN PHÁP HẠN CHẾ SỰ Ì ẠCH TRÊN
     Về các biện pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng mất ATGT cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Hồ Văn Hữu cho biết: “Sở tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương bồi đắp những “ổ gà”, “ổ voi”, xử lý các phần đường mở rộng chưa êm thuận, bổ sung đầy đủ biển báo hiệu đường bộ, biển báo thi công, rào chắn, đèn tín hiệu; phát quang cây cối đảm bảo tầm nhìn... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành dứt điểm từng đoạn theo kiểu “cuốn chiếu”. 
     Đối với những nhà đầu tư ngưng thi công quá dài, Sở sẽ xem xét kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hạng mục dự án để giao cho đơn vị có đủ năng lực. Về lâu dài, Sở kiến nghị với UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương cho phép dự án mở rộng nâng cấp QL14 được hưởng cơ chế đặc thù của công trình trọng điểm Nhà nước. Cụ thể như rút ngắn thời gian hoàn vốn (tối đa là 20 năm thay vì 33 năm như hợp đồng đã ký); tạo điều kiện để các nhà đầu tư được vay vốn dài hạn hoặc trung hạn; ưu đãi về lãi suất vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng”.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THÊ THẢM CỦA QUỐC LỘ 14 ĐÃ ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN CÁC BÁO:
Đầy ổ voi ổ gà
Bụi tung bay mù mịt
Xe bị sụp hố không vượt qua được phải lấy cây chống
Mạnh xe nào xe nấy chạy...kể cả lấn lề
miễn sao là tránh được hầm hố 
Nhiều đoạn còn tốt nhưng vẫn cày lên rồi để đó
Cực kỳ nguy hiểm cho xe 2 bánh
Không thể tìm ra ai đang làm mặc dù có bảng: ĐANG THI CÔNG
Vô vàn hố khủng long trơn trợt đang chờ đón tay lái lụa của các bác tài
Vô vàn bẫy như thế này trên quốc lộ 14...không có đèn đường

Và thành quả tất yếu là....xe lật
KIẾN NGHỊ CỦA CÂU LẠC BỘ 3V
     Đề nghị UBND các tỉnh có QL14 đi qua đang thi công nhanh chóng kiểm tra năng lực và tài chính của chủ đầu tư và các đơn vị thi công. Nếu thấy yếu kém phải thay đổi ngay các đơn vị khác có năng lực hơn.
     Đề nghị Bộ giao thông vận tải, khu quản lý đường bộ vào cuộc xem xét các đơn vị trên đã hoàn thành trách nhiệm hay chưa.
Đề nghị đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng vào khảo sát thực tế tuyến đường huyết mạch này và mạnh tay trảm những "tướng" yếu kém đang điều hành thi công công trình này
Người đăng bài: Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét