22 tháng 9, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo: Huyện Đắk Song - Rừng thông phòng hộ tạo cảnh quan trên quốc lộ 14

TP.HỒ CHÍ MINH – BÌNH DƯƠNG – BÌNH PHƯỚC     ĐẮK NÔNG – THÁC DRAY SÁP – ĐẮK LẮK     BUÔN MA THUỘT – BẢN ĐÔN

*************************
     Tạm biệt thị xã Gia Nghĩa, chúng ta tiếp tục đến với xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.
     Tiếp tục đi qua xã Nam N'Jang đến thị trấn Đức An (huyện lỵ của huyện Đắk Song).
     Tiếp tục đi qua xã Nam Bình, xã Thuận Thành, đến địa phận huyện Đắk Mil
HUYỆN ĐẮK SONG
     Đắk Song là một trong tám đơn vị hành chính cấp huyện trong tỉnh Đắk Nông. Trung tâm của huyện là thị trấn Đức An.
     Huyện Đắk Song được thành lập vào tháng 6/2001 trên cơ sở các xã Trường Xuân, Đắk N'rung tách ra từ huyện Đắk Nông và xã Thuận Hạnh, Đăk Môl, Đắk Song tách ra từ huyện Đắk Mil. Khi mới thành lập, Đắk Song nằm trong tỉnh Đắk Lắk. Khi tỉnh Đắk Nông được thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Đắk Lắk, thì huyện Đắk Song nằm trong tỉnh Đắk Nông.

     Hiện nay, huyện Đắk Song có 9 đơn vị hành chính cấp xã là: thị trấn Đức An, Nam Bình (xã Đắk Song cũ), Thuận Hà, Đắk Môl, Đắk Hòa, Thuận Hạnh, Trường Xuân, Đắk N'Drung và Nâm N'Jang.
     Đắk Song giáp với Đăk Milphía Bắc, Krông Nôphía Đông Bắc, Đăk Glong ở phía ĐôngĐông Nam, Đăk R'Lấpphía Tây, Gia Nghĩaphía Nam. Phía Tây Bắc huyện là đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
     Toàn huyện rộng 808,1 km², nhỏ thứ hai trong các đơn vị hành chính cấp huyện ở tỉnh Đắk Nông. Dân số của huyện là 42,6 nghìn người (năm 2006), ít nhất trong các huyện ở Đắk Nông. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây cà phê, hồ tiêu... Nhìn chung đây là một huyện nghèo của tỉnh

RỪNG THÔNG TẠO CẢNH QUAN TRÊN QUỐC LỘ 14
     Trên quốc lộ 14 đoạn từ thị xã Gia Nghĩa đến hết huyện Đắk Song phong cảnh 2 bên đường rất đẹp không chỉ bởi đồi núi chập trùng, màu đất đỏ ba zan quyến rũ, màu trắng xóa của hoa cà phê mà còn cả những cảnh rừng thông chạy dọc theo. Đây là rừng thông phòng hộ và tạo cảnh quan cho quốc lộ 14 dài hơn 30 km đã hơn 30 năm tuổi. 

Con đường quốc lộ 14...
Uốn lượn giữa những cánh rừng thông rất đẹp
     Nhưng ngày mà chúng tôi đi qua, những cánh rừng thông cực đẹp tạo cảnh quan cho quốc lộ 14 đã bị tàn phá hết sức nặng nề và đang mất dần do bị người dân chặt phá lấn chiếm làm nhà, làm vườn trái phép.

Nhưng ngày hôm nay đã bắt đầu thưa thớt, xơ xác....vì...
NGƯỜI DÂN BỨC TỬ RỪNG THÔNG BẰNG CÁCH CHẶT PHÁ, LẤN CHIẾM
     Rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đoạn từ huyện Ðăk Song đến thị xã Gia Nghĩa có diện tích 429,6 ha, được Lâm trường Ðắk Nông và một số đơn vị thanh niên xung phong trồng từ năm 1978 đến 1984, đến nay nhiều cây đã có đường kính từ 40 đến 50 cm. Giai đoạn đầu rừng thông này do Lâm trường Ðắk Nông và Lâm trường Ðăk Rung quản lý.
     Ðến năm 2003, rừng thông được giao về cho UBND huyện Ðắk Song và các xã Ðắk N’drung, Nâm N’jang, Trường Xuân quản lý. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ nên đã có hàng chục ha rừng thông bị chặt phá và bị người dân lấn chiếm đất làm nhà ở, trồng cây công nghiệp.

Một vạt rừng thông bị chết khô do người dân lén đổ hóa chất
     Trước tình trạng rừng thông bị tàn phá nặng nề, đến năm 2007, UBND tỉnh Ðắk Nông giao rừng thông phòng hộ này cho Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty Lâm nghiệp Ðăk Song quản lý và bảo vệ, lúc này diện tích rừng thông chỉ còn 343 ha, giảm 86 ha. Trong thời gian hơn ba năm giao cho hai công ty lâm nghiệp quản lý, rừng thông phòng hộ tiếp tục bị người dân chặt phá, lấn chiếm làm cho diện tích giảm mạnh. Giữa năm 2010, UBND tỉnh Ðắk Nông thu hồi toàn bộ diện tích rừng thông này giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, bảo vệ đến nay.
     Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðắk Nông cho biết: Sau khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đến nay, chi cục phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Ðăk Song đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông, trong đó nhiều lần phối hợp các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở và đất sản xuất trái phép trong rừng thông phòng hộ... nhưng do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc ngăn chặn vẫn chưa triệt để, rừng thông tiếp tục bị người dân chặt phá và lấn chiếm làm nhà trái phép.
Cây thông bị chặt đẽo ngang thân...
     Theo thống kê mới nhất của Hạt Kiểm lâm huyện Ðăk Song, hiện nay có 219 hộ dân đang lấn chiếm làm nhà trái phép với 120 công trình xây dựng kiên cố và hàng chục ha rừng thông phòng hộ đã bị thay thế bằng cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu..., diện tích rừng thông đã giảm xuống còn 270 ha. Toàn bộ số hộ dân lấn chiếm làm nhà trái phép này đã bị UBND huyện Ðăk Song ra quyết định xử lý hành chính, nhưng việc giải tỏa đưa các hộ dân ra khỏi diện tích rừng thông phòng hộ là hết sức khó khăn.
     Trạm quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 (Hạt Kiểm lâm huyện Ðăk Song) cho biết: "Từ năm 2010 đến nay trạm chỉ có bốn cán bộ, nhân viên nhưng lại quản lý, bảo vệ tới 270 ha rừng thông, trải dài 23 km nên không thể quản lý nổi. Trong khi đó, hình thức phá rừng thông ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng không chỉ đẽo gốc thông mà còn dùng khoan khoan vào thân cây rồi nhét, bơm thuốc diệt cỏ vào để cây thông chết dần chết mòn, sau đó lấn chiếm đất để dựng nhà, lấy đất sản xuất".


Cây thông bị đẽo gốc không thương tiếc...chỉ nằm chờ chết
     Với những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 như trên, khiến cho rừng thông quý hiếm này ngày càng bị tàn phá nặng nề.

và kết quả là chỉ còn những cây thông chết khô nằm bên đường

VÀ DOANH NGHIỆP CŨNG BỨC TỬ RỪNG THÔNG
     Không chỉ bị người dân chặt phá, lấn chiếm mà rừng thông phòng hộ này cũng đang bị các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 lợi dụng để "bức tử".
     Cụ thể, quốc lộ 14 đoạn đi qua rừng thông này do Tập đoàn Ðức Long Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT. Theo thiết kế được phê duyệt thì mặt quốc lộ 14 chỉ mở rộng 11m. Trong khi đó các ngành chức năng của tỉnh phát hiện các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công quốc lộ 14 đã tiến hành đánh dấu, bài cây chuẩn bị chặt phá với tổng số 1.095 cây, trong đó có tới 969 cây thông, nhiều nhất là tại Km 821+149, quốc lộ 14 thuộc địa bàn xã Nâm N’jang, huyện Ðăk Song. Ðiều đáng quan tâm là trong số những cây thông bị đánh dấu, bài cây để chặt phá, có những cây thông nằm cách xa quốc lộ 14 tới 30 m, thậm chí tại Km 818+573 rừng thông đã bài cây sâu tới 31 m so với đường quốc lộ để thiết kế trạm thu phí.
     Ðiều khiến dư luận bức xúc là trên cả đoạn đường từ thị xã Gia Nghĩa về đến cầu 20, huyện Ðăk Song dài 25 km, nhiều đoạn không có rừng thông nhưng đơn vị tư vấn không chọn để thiết kế trạm thu phí mà chọn ngay khu vực rừng thông đã hơn 30 năm tuổi, có mật độ cây dày để thiết kế trạm thu phí.
     Trước đó vào năm 2010, cũng thực hiện việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14, có nhiều diện tích cây thông quý hiếm đã hơn 30 năm tuổi dọc theo hai bên quốc lộ đoạn qua xã Nhân Cơ, huyện Ðăk R’lấp, mặc dù nằm cách xa mặt quốc lộ nhưng đều bị chặt phá, gây bức xúc cho người dân địa phương.
     Dư luận đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp, đơn vị và các ngành chức năng ở địa phương đang lợi dụng vào việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 để "bức tử" rừng thông phòng hộ, cảnh quan quý hiếm này? Theo báo nhân dân điện tử
Xin mời đọc tiếp phần sau
Người đăng bài: Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét