15 tháng 9, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo: Một số lễ hội và phong tục đặc trưng của đồng bào M'Nông trên cao nguyên Mơ Nông
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - BÌNH PHƯỚC     ĐẮK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - ĐẮK LẮK     BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
*********************
MỘT SỐ LỄ HỘI VÀ PHONG TỤC ĐẶC TRƯNG 
CỦA ĐỒNG BÀO M'NÔNG
*********************
1.LỄ HỘI ĐÂM TRÂU
     Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, đồng bào dân tộc M’nông ở Đắk Nông đến nay vẫn duy trì được lễ đâm trâu (hay còn gọi là lễ ăn trâu ), một lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Lễ hội thường diễn ra vào những ngày nông nhàn, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi để chuẩn bị cho mùa rẫy mới, thường rơi vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4 âm lịch. 
Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4 âm lịch
và thu hút rất đông nhân dân tham gia
     Theo các già làng người M’nông thì địa điểm tổ chức Lễ đâm trâu thường được tổ chức tại sân nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các bon làng. Theo truyền thuyết, thần thoại của một số dân tộc Tây Nguyên thì con trâu biểu hiện cho tín ngưỡng vật tổ (đây là hình thức tín ngưỡng sơ khai nhất của các bộ tộc cổ đại). Phần lớn các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer đều có tục đâm trâu hay còn gọi là “ăn trâu”, “chém trâu” để hiến tế thần linh trong các lễ hội lớn của gia đình hoặc cộng đồng. Đồng bào M’nông “ ăn trâu” để tạ ơn thần linh, để được tổ chức vui chơi, giải trí và cũng để khẳng định uy tín, danh vọng của gia đình chủ lễ và của bon làng. Những năm được mùa, lúa chất đầy kho, đồng bào tổ chức lễ đâm trâu để cúng mừng. Nếu không tổ chức lễ đâm trâu hàng năm để cúng thần Lúa thì ít nhất đủ ba năm phải tổ chức lễ đâm trâu một lần. 
     Lễ hội đâm trâu phải chuẩn bị ít nhất khoảng 5 đến 10 ngày. Đầu tiên phải mời các già làng đến để bàn bạc, nói lý do ăn trâu của gia đình mình. Sau đó phải mời nghệ nhân giỏi, biết chế tạo nhạc cụ dân tộc để làm ra chiếc kèn Rlet. Loại kèn này chỉ dành để thổi gọi thần linh trong lễ đâm trâu chứ không dùng trong các trường hợp khác, khi xong lễ hội thì kèn Rlet cũng bỏ luôn, cấm không ai được thổi nữa. 
Nghệ nhân thổi kèn Rlet
     Các già làng còn cử ra một số thanh niên đến giúp việc cho chủ lễ như: chặt cây, bửa củi, giã gạo, sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa, kho lúa. Một tốp thanh niên khác vào rừng kiếm dây mây về để tết thừng buộc trâu, chặt ống nứa nấu thịt, đổ nước vào rượu. Trong suốt cuộc lễ, mọi vật dùng đều phải làm mới. Trong nhà nơi cửa ra vào và cửa kho lúa, nơi đặt ché rượu cúng cũng được bố trí những tấm gỗ nhỏ có chiều dài gần 1 mét có khắc hoa văn để trang trí cho đẹp. 
     Lễ đâm trâu thường được đồng bào làm một cây nêu to đẹp, trên cành cây tre có kết hoa bằng lá non cây Sra và trên ngọn cây nêu cắm một con chim Phượng Hoàng làm bằng gỗ có tô nhiều màu. Cây nêu được xem là lễ đài của toàn bộ buổi lễ, do đó cây nêu chẳng những phải cao vút, bề thế mà còn phải có tính nghiêm trang, đầy chất huyền thoại. Trên cây nêu luôn có đủ các hình tượng và hoa văn. Đó là hình tổ ong, hình chim én, cánh chim cu, xâu lục lạc bằng nứa, tượng người…Các ché rượu cần phải được chuẩn bị đổ nước, nhét lá, cắm cần đầy đủ. 
     Cũng theo các già làng người M’nông thì nghi thức lễ đâm trâu thường diễn ra vào buổi chiều tà, gia đình chủ lễ cử một đoàn người đi đón khách về dự lễ đâm trâu. 
Đánh công chiêng đón khách tham dự buổi lễ
     Khi dựng cây nêu nam, nữ phải ra đứng đánh cồng chiêng múa vui vòng quanh cây nêu. Tiếng chiêng càng vang hơn, mọi người càng hớn hở hơn, nhất là lúc con trâu được buộc vào cọc nêu. Suốt đêm đó, dân làng vui chơi, uống rượu, đánh chiêng, chờ đợi ngày mai bắt đầu lễ chính. 
Đội cồng chiêng nhảy múa và đánh chiêng đi xung quanh trâu để tạo sự hào hứng
     Đến gà gáy (khoảng 4 giờ sáng) người đàn bà chủ trâu hoặc người đàn bà hàng xóm ra đứng gần cây nêu hát bài gọi thần Lúa và hát “khóc trâu” để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý này trước khi nó bị giết để làm lễ hiến sinh. Vừa hát họ vừa lấy nước tưới vào đầu con trâu. 
Hát khóc trâu trước khi tiến hành hiến sinh
     Trời vừa tảng sáng, họ mang một ché rượu nhỏ giết một con gà để cúng hồn con trâu. Bên đoàn khách được mời đến dự lễ cử ra một người đâm trâu. Trong khi đâm trâu, hai dàn nhạc cồng chiêng của hai bên chủ, khách nổi lên để làm cho người chém trâu, đâm trâu thêm phấn chấn, can đảm. 
Dũng sỹ đâm trâu được bon cử ra tiến vào thực hiện nghi lễ
Những cú đâm chuẩn xác và mạnh...
Đã làm chú trâu to lớn, khỏe mạnh gục xuống
     Khi con trâu chết người ta lấy chiếc chiêng mẹ đặt lên mình trâu, có khi dùng chăn mới dệt chất lên mình trâu. 
Đắp chăn khấn thần mong thần tiếp nhận linh hồn của con vật hiến sinh
     Xong, người ta lấy máu trâu phết vào cây nêu cúng vái, đọc lời khấn thần, cúng xong, xẻ thịt trâu. Chiếc đầu trâu dùng để dành cúng lúa, hàm trâu là phần của chủ nhà. Các món khác như xương, thịt và lòng đều chia đôi, đoàn bên chủ do chủ chia, đoàn bên khách do khách chia. Người ta chia đều phần thịt trâu cho mỗi bên chủ và khách, chỉ để lại một số thịt trâu nhất định để cùng ăn chung trong lễ hội. 
     Ngoài thịt trâu, đồng bào còn giết thêm một số heo lớn để lấy bộ lòng làm dồi cúng, thần giữ kho lúa. Nghi thức cúng thần giữ kho là nghi thức bắt buộc trong các lễ hội cúng có đâm trâu. Chia thịt xong, chủ nhà dọn cơm mời khách. Ăn xong cơm, cúng ché rượu rlung với huyết trâu, cúng ché rượu xong, chủ nhà cùng khách cùng nhau uống rượu đến sáng hôm sau. 
Hát và mời nhau hút thuốc lá, ăn uống, vui chơi sau phần hiến tế
     Lễ đâm trâu của đồng bào M’nông nói riêng, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung là một lễ hội truyền thống được lưu truyền từ muôn đời nay. Việc tổ chức lễ đâm trâu hiện nay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh là cúng thần Lúa, mà còn là dịp để bà con trong bon làng quây quần bên nhau vui chơi, ca hát sau một năm lao động vất vả và chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới. Đồng thời qua đó còn tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào trong bon và các bon làng lân cận, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc. 
Theo website của Đảng Cộng Sản Việt Nam

2.LỄ CÚNG CƠM MỚI
     Ngày xưa người M’Nông sống dựa vào nương rẫy, chăn nuôi và săn bắt. Tháng 6 và tháng 7 là những tháng giáp hạt, thiếu đói, đồng bào dựa vào thức ăn hái lượm, săn bắt. Sau hai tháng chỉ ăn củ mài, trái dẻ, đầu tháng 8 lúa rẫy bắt đầu chín, đó là lúc bà con tuốt lúa về ăn cơm mới.
Giã gạo trong lễ cơm mới
     Lễ ăn cơm mới thường được tổ chức vào bữa tối. Người ta dùng lá chuối tươi tót lên nia đổ cơm thịt gà vào và lấy một tô gạo có cắm đèn sáp ong để cúng. Tất cả dụng cụ sản xuất có trong nhà như để đền ơn dụng cụ trước khi con người được ăn cơm mới. Khấn vái xong, chủ nhà dọn cơm và thức ăn trên lá chuối tươi rồi mời bà con cùng ăn. Mỗi hộ chỉ một người thay mặt đến dự bữa. Những người không đi vẫn có quà là một bầu cơm to và một ít thịt, cá để ai cũng được hưởng kết quả lao động. Ăn xong, chủ nhà mời bà con uống rượu cần, trước khi uống rượu chủ nhà lấy chút rượu cần và huyết gà phết vào kho lúa, bàn thờ, bếp đá để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình trong năm qua.

3.LỄ CÚNG BẾN NƯỚC
     Cúng bến nước là nghi lễ cổ truyền của một số tộc người ở Tây Nguyên. Đây là lễ cúng của cộng đồng để tạ ơn yang (trời), tổ tiên, thần linh phù hộ cho mọi người sức khỏe, bình an, cho nguồn nước dồi dào để ăn uống tắm giặt...
     Đây cũng là dịp để đồng bào cùng làm vệ sinh bến nước, nhắc nhở nhau bảo vệ bến nước, nguồn nước. Ngày xưa, lễ được tổ chức hàng năm và được cả cộng đồng quan tâm.
     Trước khi làm lễ cúng, một số người dân trong cộng đồng được phân công chuẩn bị lễ vật: mổ ít nhất là 1 con heo dài khoảng 2 gang tay, 2 ché rượu cần, 1 bát cơm, 1 chén muối, 2 tô lòng heo, 2 bát huyết heo, 1 bát muối...
Chuẩn lệ lễ vật cúng thần
     Chuẩn bị xong lễ vật thầy cúng bắt đầu hành lễ trên một mảnh đất bằng có trải chiếu hoặc lá cây, cách xa bến nước khoảng 40m, báo cáo với tổ tiên thần linh về các lễ vật được dâng lên trong lễ cúng, cảm ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng; dân làng ngồi xung quanh chăm chú lắng nghe.
Thầy cúng tiến hành lễ cúng
     Kết thúc lễ này, thầy cúng mời người đàn bà là chủ bến nước vào khai rượu cần sau đó dân làng lần lượt được mời vào uống tiếp. Tiếp theo, lễ vật được chuyển xuống bến nước.
     Tại đây thầy cúng tiếp tục cúng, nói lời tạ ơn với thần nước, thần suối, thần sông, hứa sẽ giữ bến nước sạch sẽ, bảo vệ tốt nguồn nước.
Đồng bào xuống lấy nước sau khi đã cúng thần xong

4.LỄ MỪNG THỌ
     Từ xa xưa, người M'nông đã có tục mừng thọ cho người già từ độ tuổi 60 tuổi trở lên. Trước kia, do chỉ làm 1 mùa rẫy nên cứ sau vụ thu hoạch là họ tổ chức ăn Tết và mỗi người được nhận thêm 1 tuổi. Theo cách tính này thời gian bằng 1 năm và người ta tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ khi đã được 60 mùa rẫy.
     Theo phong tục của người M'Nông, khi con cái đã có gia đình riêng sẽ được chia đất đai, của cải. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn giữ lại ít đất để tự làm, vì không muốn phụ thuộc con cái. Khi nào thấy sức khỏe yếu không làm được nữa thì người con gái cả sẽ được hưởng phần tài sản và có trách nhiệm nuôi nấng cha mẹ cho đến lúc chết. Khi cha mẹ sang tuổi 70 là được công nhận đã vào hàng "thọ". Lúc này người con  gái cả sẽ làm cỗ khá linh đình (nếu vì hòan cảnh nghèo thì các em đóng góp thêm vào) mời bà con trong buôn và bạn bè ở buôn, làng đến dự. 
Tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi M'Nông
     Đây là dịp con cháu chứng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Mọi người đều chuẩn bị quà mừng, có thể là tiền mặt hoặc mua đồ trang sức để biếu. Đồ trang sức ngày xưa thường là bạc trắng nhưng nay hầu hết là vòng bằng vàng đeo cổ tay hoặc dây chuyền, khuyên tai. Nếu con cháu nghèo thì sắm cho cha mẹ cái áo, cái quần chứ không bắt buộc là tiền, vàng. 
Già làng thực hiện nghi lễ trao vòng sức khỏe cho các cụ cao tuổi
     Ngay sau khi mừng thọ ấy các cụ đều không phải làm việc, tất cả mọi việc đều do con cháu phục vụ. Mỗi tuần lễ con cháu thay nhau đến thăm một lần để trò chuyện cùng với các cụ, ai muốn đón cha mẹ về nhà mình chơi phải được sự đồng ý của nhà chị cả. Khi bố mẹ sang tuổi 80, ngòai việc gia đình mừng thọ theo định kỳ 10 mùa rẫy thì già làng cùng dân làng đóng góp, tổ chức mừng thọ ở nhà Chung.
     Khi cha mẹ hơn 90 tuổi thì năm nào trong buôn cũng mừng thọ tập thể tại nhà Chung cho tất cả các cụ. Sau tiệc ăn uống linh đình, các cụ sẽ nói về bí quyết sống lâu, sống khỏe của mình. Nhiều buôn đã bầu ra hội bảo thọ và kết hợp với các buôn, làng với mục đích tiếp sức cho con cháu chăm lo và đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, vận động mọi nhà luôn quan tâm đến những cụ có hòan cảnh neo đơn không nơi nương tựa.
Xin mời đọc tiếp phần sau
Sưu tầm, chỉnh sửa, đăng bài: Hồ Thanh Hà.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét