29 tháng 9, 2012

Phóng sự ngày 1: Hành trình vượt Trường Sơn về quê Bác

Phóng sự ngày 1 tiếp theo: Huyện Đắk Mil - Núi Lửa Đắk Mil
TP.HỒ CHÍ MINH - BÌNH DƯƠNG - BÌNH PHƯỚC    ĐẮK NÔNG - THÁC DRAY SÁP - ĐẮK LẮK     BUÔN MA THUỘT - BẢN ĐÔN
*************************
     Tạm biệt huyện Đắk Song, chúng tôi tiếp tục đến với huyện Đắk Mil, một trong những vùng đất trù phú bậc nhất của Cao nguyên Mơ Nông.
Ranh giới của huyện Đắk Song và Đắk Mil

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC HUYỆN ĐẮK MIL

     Đắk Milhuyện thuộc tỉnh Đắk Nông, huyện lỵ là thị trấn Đắk Mil. Đắk Mil trước nằm trong tỉnh Đắk Lắk. Khi Đắk Nông được thành lập trên cơ sở tách ra khỏi Đắk Lắk, Đắk Mil nằm trong tỉnh Đắk Nông.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

     Đắk Mil là huyện nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Đắk Nông với diện tích tự nhiên 682,99km², cách Thị xã Gia Nghĩa 60 km theo đường quốc lộ 14. Phía bắc giáp huyện Cư Jút; Đông giáp huyện Krông Nô; phía Nam giáp huyện Đăk Song; Tây giáp tỉnh Moldulkiri của Vương quốc Campuchia.
     Đk Mil có 10 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm: Đắk Sắk, Đức Minh, Long Sơn, Đắk Lao, Đắk R'La, Đức Mạnh, Đắk N'Drót, Đắk Gằn, Thuận An và thị trấn Đắk Mil.
     Đắk Mil chủ yếu là đất đỏ badan, thích hợp với cây cà phê, hồ tiêu và nhiều loại cây nông, công nghiệp khác; trong đó đất lâm nghiệp 25.174 ha, đất nông nghiệp 36.872 ha, đất chưa sử dụng 2.472 ha.
     Dân số của Đk Mil là 87.000 người, mật độ dân số trung bình 125 người/km²; huyện Đk Mil là một trong những huyện có mật độ dân số khá cao của tỉnh Đắk Nông.
     Thành phần dân tộc của huyện Đắk Mil khá đa dạng: có tới 19 dân tộc anh em. Người kinh chiếm 80% dân số toàn huyện, dân tộc thiểu số chiếm 8,6% chủ yếu là dân tộc M’Nông, còn lại là dân tộc Ê Đê, Mạ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía bắc như: Tày, Nùng, Dao, H’ Mông…

LỊCH SỬ - VĂN HÓA

     Đk Mil là huyện được hình thành khá sớm của tỉnh Đắk Lắk cũ từ năm 1936, với diện tích hơn 200.000ha, bao gồm một phần của huyện Cư Jút, huyện Krông Nô và huyện Đăk Song hiện nay. Sau khi hoàn thành việc xâm lược và bình định khu vực Tây Nguyên, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập hệ thống chính quyền tay sai thực dân trên địa bàn Đăk Mil. Năm 1940, bên cạnh nhà tù Buôn Ma Thuột, Pháp còn cho xây dựng thêm Ngục Đăk Mil (nay thuộc xã Đăk Lao), nhằm đày ải và tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Ngục Đăk Mil đã từng giam những chiến sỹ cách mạng: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, Lê Nam Thắng, Trần Văn Quế, Trần Sâm, Trần Văn Quang…
     Trong kháng chiến thời kỳ chống Pháp (1945 - 1954) huyện Đắk Mil là vùng địch tạm chiếm đóng. Năm 1950, tỉnh Đăk Lăk cử Đội công tác 124 về hoạt động trên địa bàn huyện, tiến hành xây dựng cơ sở ở xung quanh núi Nâm Nung.
     Những năm 1954 - 1959, trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện đã xây dựng được lực lượng cách mạng ở các thôn, bon của đồng bào M’Nông: phát triển được 5 chi bộ, mỗi chi bộ có từ 7 đến 11 đảng viên ở 05 xã trong huyện và một số cơ sở quần chúng. Ban Cán sự huyện kết hợp với đội công tác tuyên truyền, vận động thành lập được một số tiểu đội, trung đội du kích người dân tộc M’Nông để chiến đấu chống Pháp. Đây là những lực lượng tiền thân của Huyện đội Đăk Mil sau này.
     Từ năm 1959, khu vực Nâm Nung trở thành khu căn cứ của lực lượng cách mạng trên địa bàn Đắk Mil. Trong khu vực căn cứ này, 3 trung đội du kích, gồm 150 thanh niên M’Nông anh dũng chiến đấu bảo vệ được căn cứ trong nhiều năm liền.
     Trong thời kỳ chống Mỹ, huyện Đắk Mil có giai đoạn được gọi là K63, có giai đoạn gọi là K2, từ năm 1972 - 1975 gọi là H8. Trước năm 1959 Huyện Đắk Mil trực thuộc Tỉnh ĐăkLăk. Năm 1959 - 1971 trực thuộc Tỉnh Quảng Đức. Năm 1972 đến đầu năm 1975 trực thuộc Tỉnh Đắk Lắk.
     Năm 1968 - 1972 kết hợp với lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng với lực lượng du kích đánh nhiều trận, đặc biệt là đánh vào trung tâm biệt kích Đăk Săk diệt hàng trăm tên địch. Với chiến thắng đó, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tặng quân và dân H8 Huân chương Quân công giải phóng hạng II.
     Từ cuối năm 1973 sang năm 1974 quân ngụy không ngừng tăng cường lực lượng cho tuyến phòng thủ Đức Lập nhằm ngăn chặn lực lượng ta thông đường vận tải Hồ Chí Minh từ Bắc vào Lộc Ninh qua Đức Lập. Tại đây địch tăng cường một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 23 ngụy, 2 tiểu đoàn dù, 01 trung đoàn thiết giáp, 01 tiểu đoàn lựu pháo, ngoài ra còn có liên đội bảo an 271 trực thuộc tiểu khu Gia Nghĩa chốt từ Núi lửa đến ngã ba Đăk Song.
     Vào lúc 5 giờ 55 phút sáng ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và sư đoàn 316 bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Trung đoàn 66 bộ đội chủ lực và lực lượng du kích tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 1, trung đoàn 53 ngụy ở ngay phía Nam quận lỵ. Trung đoàn 28 đánh chiếm căn cứ Núi lửa. Ngày 10/3/1975, Sư đoàn 10 mở đợt tiến công thứ 2 vào Đức lập, chiếm được quận lỵ, giải phóng hoàn toàn Đức Lập. Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh.
     Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn huyện Đăk Mil đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì và gần 300 Huân chương, Huy chương các loại. Huyện có 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và một xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2000, huyện Đăk Mil vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
     Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, được sự chi viện của Trung ương, của Tỉnh, quân và dân trong Huyện đã huy động hàng ngàn ngày công để rào làng, cắm chông, cài mìn, bảo vệ an toàn biên giới Tổ quốc, tham gia đánh nhiều trận chống bọn phản động Pôn pốt, Iêng Xari, diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí bảo vệ an toàn biên giới cũng như tính mạng và tài sản cho nhân dân.
     Huyện Đắk Mil ngày nay là vùng sinh sống của dân tộc M’Nông, là một dân tộc thiểu số tại chỗ đặc trung vùng Tây nguyên với truyền thống sản xuất và sinh hoạt mang tính văn hóa hết sức đặc sắc: Những lễ hội văn hoá dân gian như Lễ hội Đâm trâu (ăn trâu). Lễ mừng nhà mới, Lễ mùng mùa, Lễ bỏ mả, những món ẩm thực: Cơm lam, rượu cần. Những điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng) và kiến trúc cổ truyền nhà sàn, nhà dài sống chung nhiều thế hệ.
     Đặc biệt, Đắk Mil là nơi phát hiện đầu tiên hình thức văn hoá dân gian là “sử thi” đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước xem như là một thể loại văn học truyền miệng có quá trình văn hoá - lịch sử lâu đời đặc trung của vùng Tây Nguyên, là viên ngọc quý trong kho tàng văn học và truyện cổ dân gian của Việt Nam được Nhà nước công nhận. Với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, về đấu tranh chế ngự thiên nhiên, ca ngợi những đức tính tốt đẹp, yêu tự do, lòng dũng cảm, phản kháng áp bức, bóc lột…
********************
     Xã đầu tiên của huyện Đắk Mil là Xã Thuận An. Ở xã Thuận An có 1 núi lửa đã tắt được mấy trăm ngàn năm rồi và hiện nay đã được bà con nông dân sử dụng để trồng hoa màu. Đất ở khu vực Núi Lửa cực tốt.
Núi Lửa Đắc Mil 
với phong cảnh rất quyến rũ, sơn thủy hữu tình.
Tiếp tục đến xã Đắk Lao. Qua xã Đắk Lao là đến thị trấn Đắk Mil, huyện lỵ của huyện Đắk Mil.
Và kìa, ở km 780 là ngôi trường Phổ Thông Trung Học Trần Hưng Đạo (bên phải). Sở dĩ tôi đề cập đến ngôi trường này là vì đây là nơi mà bạn nguyễn Văn Lịch đã học và chắp cánh cho bạn đến ngành du lịch. Theo bạn Lịch kể thời còn học ở trường Trần Hưng Đạo, bạn là 1 học sinh rất giỏi và cũng quậy phá, đặc biệt là có nhiều bạn gái vây quanh, nhưng vì chuyện học nên bạn không để ý đến cô gái nào cả. Không biết có thiệt không. Nhưng thôi, em mình nói thì mình phải tin chứ sao. Chứ gặp mình là ai yêu thì mình yêu lại liền.
Trường Trần Hưng Đạo, trường chuẩn của tỉnh Đắk Nông
nơi chắp cánh cho những ước mơ của bạn Nguyễn Văn Lịch
     Vào trung tâm thị trấn Đắk Mil, nhà cửa xây dựng rất khang trang và đường xá được mở rộng.
Vào thị trấn Đắk Mil
Đường xá đã được mở rộng
Nhà cửa xây dựng rất khang trang, mua bán rất nhộn nhịp
Và rất đẹp khi thị trấn lên đèn
     Tiếp tục đi qua xã Đức Mạnh, xã Đắk La, xã Đắk Gằn là hết huyện Đắk Mil. Vào địa phận huyện Cư Jút.
Xin mời xem tiếp phần sau
Người đăng bài: Hồ Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét